Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Nơi công tác: Nhà Thuốc Đỗ Minh Đường

Tình trạng da mặt bị ngứa và sần sùi gây nhiều khó chịu, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của một số bệnh lý. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này, từ đó có hướng xử lý và chăm sóc da đúng cách.

Da mặt bị ngứa và sần sùi là như thế nào?

Da mặt sần sùi và ngứa là tình trạng bề mặt da trở nên kém mịn màng, xuất hiện các nốt sần nhỏ li ti kèm theo cảm giác ngứa ngáy, châm chích khó chịu. Tùy theo nguyên nhân, mức độ ngứa và sần sùi có thể dao động từ nhẹ đến nặng.

Biểu hiện da mặt bị ngứa và sần sùi

Khi da mặt bị ngứa và sần sùi, người bệnh có thể gặp phải một hoặc kết hợp nhiều triệu chứng, biểu hiện sau đây:

Thay đổi kết cấu da:

  • Sần sùi: Bề mặt da mất đi độ láng mịn, xuất hiện các nốt sần nhỏ, li ti. Các nốt sần này có thể có màu da, màu đỏ hoặc màu trắng đục tùy thuộc vào nguyên nhân.
  • Mẩn đỏ: Có thể xuất hiện các mảng đỏ hoặc đốm đỏ trên bề mặt da.
  • Da khô, bong tróc: Da bị mất nước, trở nên khô ráp, có thể bong tróc thành từng vảy nhỏ.
  • Dày sừng: Ở một số trường hợp, da có thể dày lên bất thường, nhất là ở những vùng da thường xuyên chịu tác động như khuỷu tay, đầu gối, bàn chân,...

Triệu chứng ngứa:

  • Cảm giác ngứa: Đây là một trong những triệu chứng đặc trưng. Mức độ ngứa có thể dao động từ nhẹ, âm ỉ đến ngứa dữ dội, châm chích, đặc biệt tăng lên về đêm, khi thời tiết nắng nóng hoặc tiếp xúc với các yếu tố làm nặng thêm triệu chứng.
  • Hành vi gãi: Do cảm giác ngứa dữ dội, người bệnh thường có xu hướng gãi, chà xát lên vùng da tổn thương. Điều này có thể làm tình trạng tổn thương da trầm trọng hơn, tăng nguy cơ nhiễm trùng da thứ phát.

Các biểu hiện khác:

Trong một số trường hợp bệnh lý hoặc tùy thuộc vào cơ địa, người bệnh có thể gặp các triệu chứng khác đi kèm như:

  • Mụn nước, mụn mủ: Xuất hiện các mụn nước nhỏ li ti hoặc mụn mủ trên bề mặt da.
  • Rỉ dịch, đóng vảy tiết: Khi các mụn nước hoặc mụn mủ vỡ ra có thể gây rỉ dịch và hình thành lớp vảy tiết màu vàng nâu.
  • Viêm da lan rộng: Tổn thương da ban đầu có xu hướng lan sang các vùng lân cận, thậm chí khắp cơ thể trong một số trường hợp bệnh lý nghiêm trọng.

Da mặt sần sùi, ngứa ngáy có biểu hiện thế nào
Da mặt sần sùi, ngứa ngáy có biểu hiện thế nào

Nguyên nhân da mặt sần sùi và ngứa

Da mặt bị sần sùi, ngứa ngáy là tình trạng tương đối phổ biến, gây ra cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Hiện tượng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể phân thành các nhóm chính sau:

Các bệnh lý về da

  • Viêm da cơ địa (Atopic dermatitis): Bệnh lý viêm da mạn tính, thường khởi phát từ nhỏ, đặc trưng bởi chu kỳ bùng phát - thuyên giảm. Cơn bùng phát gây ngứa dữ dội, kèm theo da khô, mẩn đỏ, nổi mụn nước, đóng vảy, sần sùi, dày sừng (ở giai đoạn mạn tính).
  • Viêm da tiếp xúc (Contact dermatitis): Phản ứng viêm tại vùng da tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng (allergic contact dermatitis) hoặc chất gây kích ứng (irritant contact dermatitis). Biểu hiện bao gồm đỏ da, ngứa, nổi mụn nước nhỏ, sau đó có thể đóng vảy tiết, sần sùi.
  • Chàm (Eczema): Thuật ngữ này đề cập đến một nhóm các bệnh lý viêm da, bao gồm viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, chàm tổ đỉa, chàm đồng tiền,... Tùy từng thể chàm mà có triệu chứng đặc trưng, nhưng nhìn chung đều gây tổn thương da với mức độ khác nhau, dẫn đến khô da, ngứa, mẩn đỏ, mụn nước, đóng vảy tiết, sần sùi,...
  • Vảy nến (Psoriasis): Bệnh lý viêm da mạn tính do rối loạn miễn dịch gây tăng sinh tế bào da quá mức. Tổn thương điển hình của vảy nến là các mảng da đỏ có giới hạn rõ, đóng vảy trắng dày, dễ bong tróc, kèm theo ngứa hoặc đau rát.
  • Nấm da: Nhiễm trùng da bởi các loại nấm (nấm sợi, nấm men,...). Bệnh gây tổn thương dạng dát đỏ, viền bờ rõ, có vảy, gây ngứa, có thể nổi mụn mủ nhỏ trên bề mặt. Một số trường hợp, tổn thương nấm da tạo thành các sẩn cứng, sần sùi.
  • Ghẻ: Bệnh lý ký sinh trùng gây ra tình trạng ngứa dữ dội, đặc biệt về đêm. Da xuất hiện các nốt sẩn nhỏ li ti, mụn nước, có thể kèm theo dấu hiệu đào hầm.

Dị ứng

  • Dị ứng mỹ phẩm, hóa chất: Các thành phần như hương liệu, chất bảo quản, chất tạo màu,... trong mỹ phẩm hoặc các hóa chất tẩy rửa, dung môi,... có thể kích hoạt phản ứng dị ứng tại vùng da chúng tiếp xúc với.
  • Dị ứng thời tiết, môi trường: Thay đổi thời tiết đột ngột, tiếp xúc với bụi bẩn, ô nhiễm, lông động vật, phấn hoa,... có thể gây phản ứng dị ứng ở người có cơ địa nhạy cảm.
  • Dị ứng thức ăn: Một số loại hải sản, trứng, sữa, đậu phộng,... có khả năng gây dị ứng, với một trong các biểu hiện là ngứa và sần sùi da.

Da khô

Tình trạng da thiếu ẩm, mất nước do nhiều nguyên nhân (thời tiết hanh khô, thói quen sinh hoạt, cơ địa,...) khiến cho chức năng hàng rào bảo vệ da suy giảm. Da dễ bị kích ứng, khô ráp, bong tróc, nứt nẻ và sần sùi.

Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc có thể gây phản ứng dị ứng da hoặc khiến da khô, dẫn đến tình trạng ngứa và sần sùi.

Các yếu tố khác

  • Côn trùng cắn: Vết cắn của một số loại côn trùng (muỗi, rệp, bọ chét,...) gây phản ứng tại chỗ với các nốt sưng, ngứa.
  • Rối loạn nội tiết tố: Sự thay đổi hormone, đặc biệt ở các giai đoạn như dậy thì, mang thai, mãn kinh có thể ảnh hưởng đến hoạt động tuyến bã nhờn, độ ẩm của da, dẫn đến ngứa và sần sùi.
  • Stress kéo dài: Tình trạng căng thẳng, mệt mỏi ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và sức khỏe làn da, khiến da nhạy cảm hơn.

Thay đổi thời tiết khiến da mặt nổi sẩn và ngứa
Thay đổi thời tiết khiến da mặt nổi sẩn và ngứa

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đi khám bác sĩ da liễu nếu gặp các trường hợp sau:

  • Tình trạng ngứa sần sùi kéo dài, không thuyên giảm
  • Diện tích vùng da tổn thương lan rộng
  • Có dấu hiệu nhiễm trùng: Đau rát, chảy dịch, mụn mủ,...
  • Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hằng ngày

Chẩn đoán da mặt bị ngứa và sần sùi

Chẩn đoán nguyên nhân gây ra tình trạng da mặt bị ngứa và sần sùi đóng vai trò quan trọng, giúp bác sĩ đưa ra hướng điều trị phù hợp và hiệu quả. Quá trình chẩn đoán thường bao gồm các bước sau:

Thăm khám lâm sàng

  • Bác sĩ sẽ quan sát kỹ đặc điểm tổn thương trên da: Vị trí, màu sắc, hình dạng, kích thước, sự phân bố của các nốt ngứa sần sùi,...
  • Khai thác các triệu chứng đi kèm: Ngứa nhiều hay ít, có nổi mụn nước hoặc mụn mủ hay không, da có bị khô và bong tróc không,...

Khai thác tiền sử

Bác sĩ sẽ hỏi về:

  • Thời gian bắt đầu xuất hiện tình trạng ngứa sần sùi da mặt.
  • Các yếu tố khiến tình trạng nặng thêm hoặc thuyên giảm.
  • Tiền sử dị ứng (nếu có).
  • Các loại thuốc đang sử dụng.
  • Thói quen sinh hoạt, chăm sóc da,...

Các xét nghiệm hỗ trợ (nếu cần thiết)

Để hỗ trợ chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm, bao gồm:

  • Soi da: Quan sát tổn thương ở mức độ phóng đại, xác định đặc điểm da, nang lông,...
  • Sinh thiết da: Lấy một mẫu da nhỏ để phân tích dưới kính hiển vi, giúp xác định loại tế bào bất thường (nếu có).
  • Test dị ứng (test lạch): Thực hiện nếu nghi ngờ nguyên nhân do dị ứng, giúp phát hiện các tác nhân gây dị ứng cho người bệnh.
  • Các xét nghiệm khác: Xét nghiệm máu, nấm da,... có thể được chỉ định trong một số trường hợp.

Cách chăm sóc da mặt bị ngứa nổi sần hiệu quả

Sử dụng những mẹo dân gian

Một số nguyên liệu từ thiên nhiên mang lại hiệu quả hỗ trợ trong việc làm dịu và giảm bớt triệu chứng của tình trạng da mặt bị ngứa và sần sùi. Dưới đây là một số mẹo dân gian phổ biến:

Lá khế (Averrhoa carambola): Theo y học cổ truyền, lá khế có tính mát, vị chua, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm. Nghiên cứu hiện đại cho thấy thành phần lá khế chứa các hợp chất  như flavonoid, saponin và tannin có tác dụng kháng viêm, giảm sưng.

Cách dùng: Lấy một nắm lớn lá khế rửa sạch, đun sôi với nước. Để dung dịch nguội rồi sử dụng để rửa mặt hàng ngày. Có thể giã nát lá khế lấy bã đắp lên vùng da có triệu chứng.

Nha đam (Aloe vera): Nha đam có tính hàn, chứa nhiều hoạt chất giúp làm mát, dịu da, kháng viêm, giảm ngứa, bao gồm polysaccharide, vitamin và các khoáng chất. Ngoài ra, gel nha đam còn có tác dụng cấp ẩm, giúp làm mềm và cải thiện tình trạng da khô ráp, sần sùi.

Cách dùng: Lấy phần gel trong suốt từ lá nha đam tươi, rửa sạch. Thoa trực tiếp gel nha đam lên vùng da mặt bị ngứa và sần, để khoảng 15-20 phút rồi rửa lại với nước.

Nghệ tươi (Curcuma longa): Nghệ là vị thuốc truyền thống có chứa hoạt chất curcumin với công dụng kháng viêm, chống oxy hóa. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hiệu quả của curcumin trong việc giảm các triệu chứng viêm da, chàm, vảy nến.

Cách dùng: Giã nát nghệ tươi, lấy nước cốt chấm trực tiếp lên vùng da có biểu hiện ngứa, sần. Cần lưu ý nghệ tươi có thể để lại màu vàng trên da.

Lưu ý:

  • Các phương pháp dân gian có thể đem lại hiệu quả khác nhau tuỳ thuộc vào tình trạng da và đáp ứng của từng cá nhân. Nên thử trước trên vùng da nhỏ để kiểm tra phản ứng.
  • Hiệu quả của các mẹo dân gian thường xảy ra chậm, không thể thay thế cho việc điều trị bằng thuốc Tây y hoặc Đông y trong trường hợp bệnh lý nặng.
  • Cần đến các cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, xác định nguyên nhân và có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh tình trạng bệnh diễn tiến nặng, gây biến chứng.

Sử dụng thuốc Tây y trị da mặt bị ngứa và sần sùi

Việc sử dụng thuốc Tây y trong điều trị da mặt ngứa và sần sùi cần tuân thủ chặt chẽ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Dưới đây là một số nhóm thuốc thường được kê đơn, tùy thuộc vào nguyên nhân lâm sàng:

Thuốc kháng histamine

Cơ chế hoạt động: Histamine là chất trung gian hóa học được giải phóng trong các phản ứng dị ứng, gây ra các triệu chứng như ngứa, mẩn đỏ, phù nề. Thuốc kháng histamine hoạt động bằng cách cạnh tranh với thụ thể histamine, từ đó ức chế hoạt động của chất trung gian này.

Phân loại:

  • Kháng histamine thế hệ 1 (Chlorpheniramine, Diphenhydramine,...): Tác dụng nhanh, mạnh nhưng thường gây buồn ngủ, không khuyến cáo sử dụng lâu dài.
  • Kháng histamine thế hệ 2 (Cetirizine, Loratadine, Fexofenadine,...): Ít gây buồn ngủ, phù hợp điều trị kéo dài.

Chỉ định: Thường được kê đơn trong các trường hợp da ngứa, nổi sần do dị ứng thời tiết, dị ứng thức ăn, mỹ phẩm,...

Kem bôi chứa corticosteroid

Cơ chế hoạt động: Corticosteroid có tác dụng kháng viêm, chống ngứa và ức chế miễn dịch tại chỗ.

Phân loại: Dựa trên mức độ hoạt tính, thuốc bôi corticoid được chia thành các nhóm từ rất yếu đến rất mạnh. Chọn lựa loại thuốc phù hợp tùy thuộc vào vị trí da tổn thương, mức độ trầm trọng, và thời gian điều trị.

Chỉ định: Corticoid bôi có tác dụng nhanh trong việc làm giảm ngứa, sẩn sùi trên da mặt trong các trường hợp viêm dị ứng, chàm da, một số bệnh lý tự miễn,...

Thuốc bôi trị da mặt ngứa và sần sùi
Thuốc bôi trị da mặt ngứa và sần sùi

Lưu ý:

  • Không nên tự ý dùng corticoid bôi do nguy cơ các tác dụng phụ như teo da, rạn da, giãn mạch, tăng nguy cơ nhiễm trùng,...
  • Cần có chỉ định chính xác của bác sĩ về loại thuốc, liều lượng, và thời gian sử dụng. Dùng kéo dài cần giảm liều từ từ để tránh tình trạng "rebound" (bùng phát trở lại).

Thuốc kháng sinh

Cơ chế hoạt động: Diệt hoặc ức chế sự phát triển của vi khuẩn.

Phân loại: Kháng sinh đường uống (dạng viên) hoặc kháng sinh bôi, gồm nhiều nhóm với phổ tác dụng khác nhau. Lựa chọn kháng sinh dựa trên loại vi khuẩn gây bệnh và tình trạng kháng thuốc tại địa phương.

Chỉ định: Được sử dụng khi tình trạng da mặt ngứa, sần sùi là do nhiễm trùng vi khuẩn, thường kèm theo các triệu chứng như mụn mủ, viêm tấy, loét da,...

Thuốc kháng nấm

Cơ chế hoạt động: Phá hủy cấu trúc và ức chế sự phát triển của tế bào nấm.

Phân loại: Kháng nấm đường bôi hoặc đường uống, với nhiều hoạt chất thuộc các nhóm azole, allylamine,...

Chỉ định: Dùng khi da mặt bị nhiễm nấm. Triệu chứng điển hình là ngứa, xuất hiện mụn nước, mảng da bong vảy, đôi khi kèm theo mùi hôi khó chịu.

Lưu ý quan trọng:

  • Trước khi sử dụng thuốc Tây y, cần thông báo với bác sĩ về tiền sử dị ứng thuốc, các bệnh lý mắc kèm, và các loại thuốc đang sử dụng nhằm tránh tương tác bất lợi.
  • Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tuân thủ đúng liều lượng, cách dùng theo đơn của bác sĩ.
  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú cần đặc biệt thận trọng khi dùng thuốc Tây, phải luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Không tự ý ngưng thuốc khi các triệu chứng đã thuyên giảm, cần tái khám để được hướng dẫn giảm liều hoặc ngưng thuốc thích hợp.

Những lưu ý khi điều trị da mặt bị ngứa và sần sùi

  • Thăm khám bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
  • Tuân thủ đúng chỉ định về các loại thuốc bôi, thuốc uống.
  • Chăm sóc da đúng cách, giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ.
  • Xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh.

Kết luận

Da mặt bị ngứa và sần sùi tuy không phải lúc nào cũng nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và sinh hoạt. Hãy chủ động tìm hiểu nguyên nhân và chăm sóc đúng cách để phục hồi làn da của bạn nhé!


Top địa chỉ phòng khám Da Mặt Bị Ngứa Và Sần Sùi


Chuyên khoa
Nhóm bệnh
Cách chữa liên quan

Bình luận (1)

  1. lê hoàng says: Trả lời

    Mình có đọc bài viết tham khảo về Cách chăm sóc da mặt bị viêm nhưng ko biết phương pháp đó có đúng hay không mong chuyên gia giúp đỡ
    link: https://damindep.com/tin-lam-dep/cach-cham-soc-da-mat-bi-viem-nhu-the-nao-de-dat-hieu-qua-nhanh-nhat/
    Xin cám ơn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan