Vảy nến da đầu là bệnh lý da liễu rất khó điều trị và khiến người bệnh khó chịu, ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ. Bệnh lý này có chữa khỏi được không và cách trị vảy nến da đầu như thế nào hiệu quả?
Vảy nến da đầu có chữa được không?
Vảy nến da đầu là bệnh lý da liễu mãn tính thường gặp. Bệnh có thể khởi phát ở mọi đối tượng. Người bệnh sẽ xuất hiện những mảng đỏ trên da đầu, các mảng đỏ này sẽ bong tróc vảy khô và có thể lan rộng ra các vùng khác trên cơ thể.
Bệnh tuy không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhưng khiến người bệnh có cảm giác ngứa ngáy rất khó chịu. Đặc biệt, bệnh khởi phát ở da đầu ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ, khiến người bệnh mất tự tin và mặc cảm.
Bệnh vảy nến da đầu là bệnh lý mãn tính. Vì thế, bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn. Bệnh thường biểu hiện ở hai giai đoạn là giai đoạn ổn định và giai đoạn bùng phát. Chính vì thế, các phương pháp điều trị bệnh thường tập trung điều trị để kiểm soát, giúp bệnh ổn định và không bùng phát.
Cách trị vảy nến da đầu bằng Tây y
Hiện nay, có nhiều cách trị vảy nến da đầu giúp bệnh ổn định rất hiệu quả. Người bệnh cần đến bệnh viện, chuyên khoa da liễu để khám, đánh giá tình trạng bệnh, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Cách trị vảy nến da đầu bằng Tây y là phương pháp điều trị tích cực, mang lại hiệu quả điều trị nhanh chóng và giúp người bệnh sớm ổn định bệnh, tránh bùng phát.
Thuốc điều trị tại chỗ
Các loại thuốc điều trị tại chỗ được chỉ định trong trường hợp các vùng da bị vẩy nến nhẹ, chưa lan rộng. Một số thuốc có thể được chỉ định điều trị vảy nến là:
- Nhóm thuốc bong vảy và bạt sừng: Nhóm thuốc bong vảy và bạt sừng chủ yếu là axit salicylic giúp giảm viêm nhiễm và loại bỏ các vảy bong trên da đầu. Người bệnh có thể dùng dầu gội hoặc thuốc bôi chứa hoạt chất này để ngăn ngừa các tổn thương trên da, từ đó cải thiện thẩm mỹ hiệu quả.
- Các loại dầu gội kháng nấm: Được sử dụng trong trường hợp da bị tổn thương và có dấu hiệu nhiễm nấm. Một số dầu gội kháng nấm thường được sử dụng là: Ketoconazole, Selenium sulfide.
- Một số thuốc khác: Ngoài ra, có thể sử dụng một số loại thuốc bôi ngoài khi tổn thương lan ra vùng da sau gáy, tai và trán là: Corticoid, Goudron, Anthralin hoặc thuốc bôi Calcipotriol…
Thuốc uống trị vảy nến
Các loại thuốc uống điều trị vảy nến da dầu có hoạt tính rất mạnh. Nhóm thuốc này được sử dụng trong trường hợp các tổn thương lan rộng, các tổn thương này có mức độ nặng và diễn tiến phức tạp.
Một số loại thuốc uống được sử dụng để điều trị vảy nến da đầu là:
- Retinoid: Đây là loại thuốc được ưu tiên trong việc điều trị vảy nến da đầu. Hoạt chất này giúp ngăn ngừa quá trình tăng sinh các tế bào sừng, tăng cường miễn dịch và kiểm soát tổn thương trên da.
- Methotrexate: Loại thuốc này có tác dụng đối kháng axit folic, giảm hoạt động tăng tế bào thượng bì. Nhóm thuốc này được chỉ định khi vảy nến lan tỏa trên 50% diện tích cơ thể.
- Nhóm thuốc kháng histamin H1: Được sử dụng để giảm tổn thương da và giảm ngứa.
- Các loại viên uống bổ sung: Để kiểm soát các tổn thương da và tăng cường sức đề kháng, các bác sĩ sẽ chỉ định các viên uống bổ sung như vitamin nhóm B, C và Biotin.
Cách trị vảy nến da đầu bằng Đông y
Trị vảy nến da đầu bằng Đông y cũng là phương pháp điều trị được nhiều người áp dụng. Người bệnh có thể được điều trị bằng các bài thuốc từ thảo dược, sử dụng phương pháp châm cứu hoặc xoa bóp, bấm huyệt để cải thiện tình trạng vảy nến, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Châm cứu trị vảy nến da đầu
Việc sử dụng châm cứu trị vảy nến cũng là phương pháp điều trị khá an toàn và hiệu quả. Các bác sĩ sẽ tác động trực tiếp vào các huyệt đạo trên cơ thể để kiểm soát các cơn đau do vảy nến gây ra, kích hoạt và điều hòa hệ thống miễn dịch của cơ thể để kiểm soát bệnh vảy nến một cách ổn định.
Xoa bóp, bấm huyệt
Xoa bóp và bấm huyệt cũng là phương pháp đặc thù của Đông y. Nhờ những tác động vào huyệt đạo, cơ thể người bệnh sẽ được cân bằng và thúc đẩy khả năng tự điều trị của cơ thể, ngăn ngừa vảy nến lan rộng và phát triển.
Các bác sĩ sẽ xoa bóp và tác động trực tiếp lên các huyệt đạo như: Khúc trì, nội quan, túc tam lý, thần môn, phi dương và tam âm giao.
Các bài thuốc trị vảy nến
Các bài thuốc trị vảy nến bằng Đông y được nghiên cứu dựa trên căn nguyên gây ra bệnh. Theo Đông y, bệnh vảy nến được chia làm hai thể là phong huyết nhiệt và phong huyết táo. Do đó các bài thuốc cũng sẽ dựa trên hai thể trạng bệnh này.
Bài thuốc trị phong huyết nhiệt
- Bài thuốc số 1: Các thành phần bao gồm: 40gr hoa hòe sống, 40gr sinh địa, 40gr thạch cao, 40gr thổ phục linh, 12gr tăng ma, 12gr tử thảo, 20gr ké đầu ngựa, 4gr chích thảo, 12gr địa phu tử. Sắc các vị thuốc trên và lấy nước uống hàng ngày, chia làm 3 lần uống trong ngày.
- Bài thuốc số 2: Chuẩn bị 20gr hòe hoa, 16gr cam thảo đất, 20gr sinh địa, 16gr thổ phục linh, 20gr thạch cao và 16gr ké đầu ngựa. Sắc thuốc, chia làm 3 lần và uống hết trong ngày.
Bài thuốc trị phong huyết táo
- Bài thuốc số 1: Bao gồm 12gr mỗi loại huyền sâm, sinh địa, kim ngân hoa, hà thủ ô, ké đầu ngựa, vừng đen… Sắc thuốc uống hàng ngày, mỗi ngày uống 1 thang thuốc.
- Bài thuốc số 2: Chuẩn bị 20gr hà thủ ô, 20gr đương quy, 16gr khương hoạt, 40gr thổ phục linh, 16gr ké đầu ngựa, 12gr oai linh tiên, 12gr huyền sâm, 16gr sinh địa… Sắc lấy nước cốt và uống hàng ngày.
Bài thuốc ngâm rửa chữa vảy nến
- Bài thuốc số 1: Chuẩn bị 15gr mỗi loại hỏa tiêu, khô phàn, phác tiêu, dã hoa cúc. Đun nước để rửa vùng da đầu bị vảy nến hàng ngày.
- Bài thuốc số 2: Chuẩn bị 120gr khô phàm, 120gr xuyên tiêu, 500gr mang tiêu, 240gr cúc dại hoa. Đun các nguyên liệu trên với 4 đến 5 lít nước sau đó pha loãng thành nước ấm và ngâm rửa vùng da bị vảy nến hàng ngày.
Chữa vảy nến da đầu tại nhà
Bên cạnh việc sử dụng thuốc Tây y hoặc các bài thuốc Đông y, cách trị vảy nến da đầu tại nhà cũng có thể giúp hỗ trợ giữ ổn định tình trạng da hiệu quả. Một số mẹo chữa vảy nến tại nhà được nhiều người áp dụng là:
Sử dụng giấm táo
Giấm táo có tính axit, giúp làm mềm da và tốt cho tóc cũng như da đầu. Các axit nhẹ trong giấm táo có tác dụng loại bỏ tế bào chết trên da và điều chỉnh pH da đầu, đào thải chất độc hại.
Sử dụng giấm táo bằng cách:
- Chuẩn bị 2 thìa giấm táo và nước sạch.
- Pha loãng giấm táo với nước.
- Dùng bông gòn thấm dung dịch và thoa lên vùng da bị vảy nến và massage nhẹ nhàng.
- Giữ tóc trong khoảng 20 phút để giấm táo thấm đều và gội lại bằng nước sạch.
- Thực hiện 2 lần mỗi tuần để cải thiện triệu chứng bệnh.
Dùng dầu dừa trị vảy nến
Dầu dừa giúp dưỡng ẩm và cung cấp nhiều dưỡng chất để phục hồi và nuôi dưỡng da và tóc. Sử dụng dầu dừa đúng cách giúp giảm ngứa, giảm bong tróc và cải thiện các tổn thương da, tóc. Cách thực hiện như sau:
- Chuẩn bị từ 2 đến 3 muỗng dầu dừa và thoa trực tiếp lên vùng da đầu bị tổn thương sau đó massage nhẹ nhàng.
- Ủ tóc trong khoảng 30 phút sau đó gội lại bằng nước sạch.
Dùng muối Epsom
Muối Epsom hay còn gọi là muối biển là hợp chất muối không sử dụng trong ăn uống nhưng có thể sử dụng để làm đẹp, làm sạch và cải thiện da rất tốt.
Muối Epsom có thể làm mềm biểu bì da, loại bỏ mảng bám và giúp da mịn màng, khỏe mạnh và ngăn ngừa các triệu chứng khó chịu của vảy nến. Sử dụng muối Epsom bằng cách:
- Cho nửa thìa muối vào 1 cốc nước lọc. Thoa đều dung dịch lên vùng da bị vảy nến và massage nhẹ nhàng. Ủ tóc trong khoảng 30 phút sau đó gội bằng nước sạch.
- Ngoài ra, có thể sử dụng 1 thìa muối Epsom trộn với dầu gội thông thường và dùng để gội đầu hàng ngày.
Lưu ý khi trị vảy nến
Bệnh vảy nến là bệnh mãn tính, không thể điều trị khỏi dứt điểm được. Chính vì thế, để cải thiện tình trạng vảy nến và ngăn ngừa bệnh tái phát, người bệnh cần lưu ý các vấn đề sau:
- Không được tự ý dùng thuốc. Người bệnh cần được đi khám chuyên khoa da liễu để có phương pháp điều trị thích hợp nhất.
- Các bài thuốc Đông y và các mẹo dân gian thường có tác dụng chậm, người bệnh cần kiên trì nếu lựa chọn điều trị bằng cách phương pháp này.
- Phải tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu muốn kết hợp nhiều phương pháp điều trị.
- Nên gội đầu bằng các loại thảo dược dịu nhẹ, an toàn cho da.
- Hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất cho tóc, da đầu và tránh nhiệt độ cao tác dụng lên da đầu.
- Giữ da đầu luôn sạch sẽ.
- Có chế độ ăn uống khoa học và tập luyện thể thao để tăng cường sức đề kháng.
Trên đây là các cách trị vảy nến da đầu mà người bệnh có thể áp dụng. Việc điều trị vảy nến da đầu cần được điều trị nhanh chóng và đúng cách để tránh những triệu chứng khó chịu có thể xảy ra cho người bệnh và ngăn ngừa bệnh bùng phát.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!