Sốt nổi mề đay là hiện tượng thường gặp ở trẻ nhỏ do các bé có sức đề kháng yếu. Bệnh thường hiếm khi gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng nhưng lại gây ngứa ngáy, bứt rứt, khó chịu cho các bé. Để hiểu rõ hơn về tình trạng này, cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng nhận biết của bệnh.
Sốt nổi mề đay là bệnh gì?
Sốt nổi mề đay là hiện tượng thường thấy ở trẻ nhỏ. Đây là biểu hiện cơ thể trẻ đang chống lại tình trạng nhiễm trùng, góp phần giúp trẻ phát triển và hoàn thiện hệ miễn dịch. Vì vậy, nó hiếm khi gây nguy hiểm đến tính mạng các bé.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, triệu chứng này cảnh báo nhiều bệnh lý ở trẻ em. Cụ thể như sau:
Bệnh tay chân miệng
Bệnh lý này xảy ra bởi virus và rất dễ lây lan, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Ngoài hiện tượng sốt nổi mề đay, bệnh còn có các triệu chứng khác như bé biếng ăn, đau họng, quấy khóc. Đặc biệt là biểu hiện trên da xuất hiện các nốt mẩn đỏ có chứa dịch mủ ở tay, chân, miệng. Nốt ngứa mẩn đỏ này có thể lan sang cả tay chân, mặt, mông, bộ phận sinh dục của bé.
Bệnh lý này có thể lây từ người sang người qua con đường tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người bệnh. Nếu bệnh nhẹ và sức đề kháng của bé tốt, bệnh có thể tự hết sau vài ngày. Trong trường hợp ngược lại, bé có thể trạng yếu, không được chăm sóc đúng cách thì các triệu chứng bệnh có thể nặng dần. Lúc này, cha mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ và điều trị theo chỉ định từ chuyên gia.
Sốt phát ban
Sốt phát ban xảy ra do virus rubella, sởi hay adenovirus. Bệnh này thường gây sốt kéo dài trong 3 – 7 ngày, sốt cao trên 38 độ, thậm chí lên tới 40, 41 độ C và phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Sau khi sốt, trẻ thường xuất hiện các nốt ban đỏ trên da ở ngực, bụng, lưng.
Trong thời gian bé bị sốt cha mẹ có thể thấy kèm một số triệu chứng khác như: tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ho, sổ mũi, bé biếng ăn hoặc bỏ ăn…
Bệnh lý này là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và không gây nhiều biến chứng nghiêm trọng. Nhiều bé có thể hạ dần sốt và khỏi hoàn toàn sau 12 – 24 giờ. Trong trường hợp bé bị sốt không hạ, kèm theo hiện tượng co giật, quấy khóc bất thường, cha mẹ cần sớm đưa bé đi khám để được xử lý kịp thời.
Ban đỏ nhiễm khuẩn
Bệnh lý này xảy ra do virus và đặc trưng bởi hiện tượng sốt nhẹ, kèm triệu chứng như cảm lạnh (sổ mũi, biếng ăn, ho)… Sau từ 7 – 10 ngày thì bé có thể bị nổi mề đay tại một số vị trí như má, tay, chân.
Đây là hiện tượng thường gặp ở trẻ em. Ở nhiều bé, bệnh sẽ thuyên giảm dần và có thể tự khỏi mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, với các bé thể trạng yếu hay phụ nữ mang thai, nếu bệnh không được xử lý kịp thời có thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Vì vậy, cha mẹ cần quan sát, nếu thấy bệnh không thuyên giảm, bé quấy khóc mệt mỏi thì phải đưa bé đi khám và điều trị bệnh.
Nhiễm trùng đường hô hấp
HIện tượng sốt nổi mề đay cũng có thể xảy ra khi bé mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm họng, viêm amidan, viêm tai giữa, viêm VA,… Triệu chứng này cho thấy hệ miễn dịch của bé đang làm việc chống lại các tác nhân gây bệnh.
Ở nhiều trẻ, tình trạng sốt có thể dần thuyên giảm và khỏi hẳn. Nhưng ở những bé có hệ miễn dịch yếu, triệu chứng sốt có thể dẫn tới co giật, suy hô hấp rất nguy hiểm. Do đó, cha mẹ cần áp dụng các biện pháp hạ sốt cho bé như chườm ấm, dùng thuốc hạ sốt… Nếu bé bị sốt cao, có biểu hiện mệt mỏi, khó thở, cần sớm đưa bé đi khám để được xử lý kịp thời.
Triệu chứng sốt nổi mề đay dễ nhận biết
Tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh mà triệu chứng đi kèm sẽ có sự khác biệt. Dưới đây, các chuyên gia y tế đã chỉ ra những dấu hiệu thường gặp nhất ở bé như sau:
- Sốt: Bé có thể sốt từ 37,5 – 38 độ C hay sốt cao 39 – 40 độ C.
- Hiện tượng nổi mề đay, phát ban có thể xuất hiện sau khi bé sốt hoặc ngay khi bé còn đang sốt. Tùy thuộc vào bệnh lý mắc phải mà nốt mề đay sẽ xuất hiện ở các vị trí khác nhau. Nếu trẻ bị tấn công bởi virus rubella thì phát ban sẽ biểu hiện trên mặt, chân, tay… Lúc này, vết phát ban thường dày hơn và có màu nhạt hơn so với sốt phát ban do bệnh sởi.
- Nổi mề đay có thể kèm theo hiện tượng ngứa da hoặc không
- Triệu chứng khác: Ho, đau họng, biếng ăn, sổ mũi…
- Ở các trường hợp nặng, có thể xuất hiện hiện tượng co giật, khó thở. Đây là tình huống cần xử lý cấp cứu để tránh gây biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Việc xử lý chậm trễ còn có thể dẫn tới những di chứng về sau.
Sốt nổi mề đay ở trẻ có nguy hiểm không? Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Trẻ nhỏ bị sốt là dấu hiệu thường gặp cho thấy cơ thể trẻ đang phản ứng lại các tác nhân như vi khuẩn, virus. Đây không phải lúc nào cũng là tín hiệu xấu bởi nó cho thấy hệ miễn dịch của trẻ đang hoạt động, bạch cầu được gia tăng.
Hiện tượng nổi mề đay thường xuất hiện trong hoặc sau khi sốt, cho thấy cơ thể đang giải phóng ra histamine vào da. Dấu hiệu này có thể xuất hiện trong vài giờ và tự hết. Tuy nhiên, nó cũng có thể dai dẳng và tái phát thường xuyên nếu bé hay bị ốm và có sức đề kháng yếu.
Tuy nhiên, cha mẹ cần thận trọng bởi trong nhiều trường hợp, nếu bé bị sốt cao không hạ, mề đay nghiêm trọng có thể dẫn tới co giật, sốc phản vệ, phù mạch, khó thở. Do đó, khi bé có triệu chứng bệnh, cha mẹ cần theo dõi cẩn thận và đưa bé đi khám nếu có hiện tượng bất thường.
Cách chữa sốt nổi mề đay hiệu quả
Các mẹ sau khi phát hiện trẻ bị sốt nổi mề đay hãy lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế để nhanh chóng giảm ngay các triệu chứng cho bé. Nếu được điều trị tốt và chăm sóc đặc biệt bệnh có thể tự lành từ 5 – 7 ngày.
Cách chữa sốt nổi mề đay được thực hiện theo thứ tự từng bước như sau:
Hạ sốt cho trẻ
Để hạ sốt cho các bé, cha mẹ có thể áp dụng một số mẹo thực hiện tại nhà gồm:
- Lau mình cho bé bằng nước ấm, để điều hòa thân nhiệt cân bằng trên cơ thể, nhằm hạn chế chứng co giật có thể xảy ra.
- Cho trẻ uống bù nước bằng nước điện giải, nước hoa quả để tránh xảy ra tình trạng mất nước.
- Cho bé mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi
- Khi bé sốt cao trên 38.5 độ C cần cho bé sử dụng thuốc hạ sốt. Paracetamol là thuốc hạ sốt phổ thông, an toàn và hiệu quả nhất dành cho các bé. Trong trường hợp bé không đáp ứng hoặc đáp ứng chậm với thuốc này, cha mẹ có thể sử dụng Acetaminophen hoặc Ibuprofen. Tuy nhiên, hai nhóm thuốc này có chống chỉ định trong một số trường hợp, vì vậy bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng.
- Sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng, không nên tăng liều dùng có thể gây nguy hiểm cho bé.
- Mỗi lần uống thuốc hạ sốt cần cách nhau 6 tiếng đồng hồ. Không nên lạm dụng thuốc bởi có thể gây ảnh hưởng đến chức năng gan của bé
Khắc phục nổi mề đay
Thông thường, hiện tượng nổi mề đay có thể giảm dần và tự khỏi. Để hỗ trợ trị bệnh, giúp bé dễ chịu và giảm ngứa ngáy thì cha mẹ nên áp dụng các mẹo chăm sóc tại nhà gồm:
- Chườm khăn mát giúp bé dễ chịu hơn.
- Tăng cường thực phẩm giàu vitamin C, A, giúp bé tăng sức đề kháng
- Vệ sinh cơ thể cho bé bằng các loại nước lá (lá kinh giới, lá tía tô, lá khế chua…) hoặc các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên.
- Nếu bé còn bú mẹ, hãy cho bé bú nhiều nhất có thể. Điều này vừa giúp bé hạ sốt, vừa tăng kháng thể để làm giảm triệu chứng ngứa da, nổi mề đay.
Nếu hiện tượng mẩn ngứa, mề đay không thuyên giảm. Cha mẹ nên đưa bé đi khám để được bác sĩ kê đơn thuốc. Một số thuốc kháng histamin H1, H2 hoặc các loại thuốc bôi ngoài da có tác dụng giảm nhanh mẩn ngứa. Tuy nhiên thuốc Tây dễ gây tác dụng phụ, khiến bé bí tiểu, táo bón, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa. Vì vậy, cha mẹ không nên tự ý dùng thuốc cho con mà phải tham khảo ý kiến bác sĩ.
Như vậy, chúng ta thấy rằng sốt nổi mề đay ở trẻ nhỏ thường không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không tốt cho sức khỏe của bé. Thậm chí, nó có thể gây ra biến chứng nguy hiểm nếu bé có sức đề kháng yếu hay không được chăm sóc đúng cách. Vì vậy, cha mẹ cần theo dõi sát sao sức khỏe của bé và sớm đưa con đi thăm khám tại cơ sở y tế uy tín.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!