Sốt cao co giật thường xảy ở những trẻ dưới 2 tuổi và được biểu hiện bằng những cơn co giật hoặc co cứng. Bệnh cần phải xử lý cấp cứu vì nó đe dọa tính mạng, để lại nhiều biến chứng cho trẻ về sau. Cùng tìm hiểu cụ thể và nguyên nhân cũng như cách xử lý cho những trẻ gặp phải tình trạng này sau đây.

Sốt cao co giật là gì?

Sốt cao co giật là tình trạng sốt kèm những cơn co giật ở trẻ đang bú mẹ (thường là dưới 2 tháng tuổi). Tình trạng sốt được chẩn đoán khi nhiệt độ của cơ thể tăng so với mức quy định tại vị trí đo, cụ thể:

  • Tại miệng: Lớn hơn 37 độ C.
  • Tại nách: Lớn hơn 37,3 độ C.
  • Tại hậu môn: Lớn hơn 38 độ C.
  • Tại màng nhĩ: Lớn hơn 38 độ C.
Sốt cao co giật là tình trạng sốt kèm những cơn co giật ở trẻ đang bú mẹ
Sốt cao co giật là tình trạng sốt kèm những cơn co giật ở trẻ đang bú mẹ

Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh vì cơ thể đang trong quá trình hoàn thiện và cơ chế điều nhiệt chưa ổn định. Chính vì vậy cha mẹ cần chú ý thật kỹ đến sức khỏe của bé trong giai đoạn này để con tránh mắc phải bệnh.

Có 2 dạng sốt co giật:

  • Co giật do sốt đơn thuần: Cơn giật kéo dài dưới 15 phút và chỉ xuất hiện 1 lần trong 24 giờ.
  • Co giật do phức hợp: Cơn giật kéo dài trên 15 phút và có nhiều hơn 2 lần xuất hiện trong 24 giờ.

Nguyên nhân và biểu hiện trẻ bị sốt co giật

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị sốt cao co giật, trong đó phổ biến nhất là tình trạng nhiễm trùng do siêu vi hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn. Ngoài ra, sau khi chích ngừa sởi, quai bị, rubella,… trẻ cũng dễ bị sốt cao. Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra yếu tố tiền sử gia đình cũng là nguyên nhân gây bệnh. Trong gia đình có anh, chị, bố, mẹ từng mắc bệnh thì trẻ cũng có nguy cơ cao gặp phải.

Sốt cao co giật xảy ra khi nhiệt độ cơ thể của trẻ từ 40 độ C trở lên. Hầu hết trẻ có nhiệt độ trên 40 độ đều sẽ gặp phải tình trạng co giật. Khi co giật, trẻ bị tăng trương lực cơ thân mình và mất cảm giác ở tay, chân, miệng. Một số trẻ sẽ gào thét và sùi bọt mép. Ngoài cơn co giật, trẻ hoàn toàn bình thường, không có dấu hiệu bất thường khác. Đây được coi là sốt co giật đơn giản, lành tính, không quá nguy hiểm.

Sốt co giật do nhiễm trùng siêu vi
Sốt co giật do nhiễm trùng siêu vi

Nhung nếu cơn co giật ở trẻ kéo dài hơn 5 phút thì cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán và điều trị.

Một số triệu chứng cha mẹ nên lưu ý khi bé sốt cao co giật là:

  • Nhiệt độ cơ thể lớn hơn 38 độ và mất dần ý thức.
  • Tay chân bị giật, lắc cả 2 bên.
  • Các cơ siết chặt.
  • Nhịp thở bị rối loạn.
  • Nôn ói.
  • Sùi bọt mép.
  • Đồng tử lộn lên trên.

Các giai đoạn sốt cao co giật ở trẻ

Thông thường, diễn biến sốt của trẻ trải qua 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn tăng thân nhiệt: Trẻ bị run cơ, chân tay lạnh kèm hiện tượng nổi da gà. Trẻ cảm thấy ớn lạnh và cần đắp chăn.
  • Giai đoạn bình nguyên: Thân nhiệt trẻ tăng cao, da có hiện tượng nóng đỏ và không còn run cơ.
  • Giai đoạn giảm thân nhiệt: Thân nhiệt trẻ giảm từ từ rồi trở về bình thường, da nóng ẩm hơn và có rịn mồ hôi. Trẻ thấy nóng và muốn dùng quạt để giảm nóng.
  • Giai đoạn ngoài cơn sốt: Thân nhiệt của trẻ lúc này bình thường nhưng bé mệt mỏi, muốn ngủ, các cơ đau nhức, khó chịu.

Biến chứng khi trẻ bị sốt co giật

Các chuyên gia, bác sĩ cảnh báo tình trạng sốt cao co giật có thể gây ra hàng loạt biến chứng nguy hiểm như:

  • Biến chứng động kinh

Trẻ bị sốt cao co giật có thể bị động kinh, biến chứng này có tỷ lệ mắc cao nếu trẻ bị co giật hơn 5 phút và xảy ra nhiều lần trong ngày. Trẻ dưới 12 tháng tuổi bị co giật, trẻ có cấu trúc não bất thường, trẻ đang bị viêm màng não,… sẽ cũng là đối tượng dễ bị động kinh. Động kinh ảnh rất nhiều đến sức khỏe của trẻ hiện tại cũng như sự phát triển của bé trong tương lai.

Trẻ có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm
Trẻ có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm
  • Tổn thương não

Co giật khi sốt là do sự phóng điện đột ngột, liên tục của các dây thần kinh. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ra những tổn thương cho các tế bào não và gây ảnh hưởng đến cảm xúc, ngôn ngữ của trẻ. Tương lai, trẻ có thể bị suy giảm trí nhớ cũng như nhiều bệnh lý khác như: Viêm màng não, viêm não,…

  • Hội chứng rối loạn tic

Đây là bệnh lý gây rối loạn vận động, phát âm không chủ đích xảy ra bất ngờ và nhanh chóng, lặp đi lặp lại nhiều lần. Trẻ gặp phải hội chứng này sẽ thường xuyên nói lắp, tự nhảy nhót, lắc đầu liên tục, cơ hàm giật, thở dốc, la hét to,…

  • Tăng động giảm chú ý

Những trẻ có tiền sử bị sốt co giật sẽ có nguy cơ bị mắc bệnh tăng động giảm chú ý cao gấp 2,5 lần trẻ bình thường. Trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh sự tập trung, khó kiểm soát hành động, phấn khích, kích động nhiều,… Những vấn đề này có thể gây ra nhiều hậu quả nặng nề đến đời sống sau này của trẻ.

  • Ảnh hưởng đến tâm lý

Cơn co giật khi sốt có thể khiến trẻ bị ngã, ngất và gây nhiều chấn thương ở tay, não. Những cơn co giật cũng khiến trẻ sợ hãi, ảnh hưởng đến tâm lý và trở nên tự ti trước đám đông, dễ làm bản thân bị tổn thương. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sau này của trẻ, bé sẽ không tự tin trong công việc, học tập và có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội.

Có thể nói những cơn sốt co giật gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển sau này của trẻ, vậy nên cần điều trị cũng như có biện pháp phòng ngừa sớm.

Chẩn đoán bệnh

Hiện nay, tình trạng sốt co giật ở trẻ sẽ được chẩn đoán qua các yếu tố lâm sàng và cận lâm sàng. Tại các cơ sở y tế, sau khi thực hiện những chẩn đoán lâm sàng bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm cũng như chẩn đoán lâm sàng có liên quan.

Chẩn đoán lâm sàng

Tình trạng co giật do sốt:

  • Cơn co giật xảy ra khi trẻ sốt cao trên 38 độ C.
  • Trẻ từ 6 tháng – 5 tuổi.
  • Không tìm thấy bằng chứng nhiễm trùng của hệ thần kinh trung ương và rối loạn chuyển hóa cấp tính.
Cơn co giật xảy ra khi trẻ sốt cao trên 38 độ C
Cơn co giật xảy ra khi trẻ sốt cao trên 38 độ C

Trạng thái co giật khi sốt:

  • Cơn co giật xảy ra khi trẻ sốt, kéo dài trên 30 phút.
  • Trẻ bị mất ý thức và không hồi phục được.

Chẩn đoán cận lâm sàng

Chỉ định xét nghiệm dịch não tủy với những trường hợp sau:

  • Chỉ định cho bệnh nhân bị nghi ngờ viêm não.
  • Bệnh nhân dưới 12 tháng tuổi chưa tiêm phòng phế cầu, Hib.
  • Bệnh nhân sốt co giật phức hợp và bị rối loạn ý thức.
  • Bệnh nhân có tình trạng kích thích, li bì kéo dài.
  • Bệnh nhân từng điều trị kháng sinh trước đó.

Điện não đồ:

  • Dùng cho bệnh nhân bị sốt cao co giật phức hợp, có triệu chứng thần kinh.
  • Bệnh nhân bị co giật khi sốt cần làm điện não đồ trong vòng 72 giờ.

Chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ sọ não:

  • Chụp cho trẻ có triệu chứng thần kinh khu trú hoặc nghi ngờ tăng áp lực nội sọ.
  • Chỉ định cho bệnh nhân sốt cao co giật nhưng tỷ lệ phát hiện tổn thương không cao.

Xét nghiệm máu:

  • Thực hiện tổng phân tích tế bào ngoại vi.
  • Bệnh nhân bị sốt co giật phức hợp kèm giảm natri máu.
  • Glucose và canxi máu.
Bác sĩ cũng có thể tiến hành xét nghiệm máu
Bác sĩ cũng có thể tiến hành xét nghiệm máu

Chẩn đoán phân biệt

Bệnh sốt cao co giật có thể được chẩn đoán phân biệt với các bệnh như:

  • Hội chứng dravet.
  • Động kinh toàn thể.
  • Động kinh có nhạy cảm với nước nóng.

Xử lý và điều trị tình trạng sốt cao co giật ở trẻ

Khi trẻ bị sốt co giật, cha mẹ có thể xử lý cho bé ngay tại nhà hoặc đưa trẻ đến những cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.

Xử trí tại nhà

Khi trẻ bị sốt co giật, cha mẹ nên giữ bình tĩnh và thực hiện một số việc làm sau để giảm sốt cho trẻ.

  • Cho trẻ nằm ở những nơi thông thoáng, ít gió và không đắp quá nhiều chăn.
  • Hạn chế nhiều người xung quanh trẻ và theo dõi nhiệt độ thường xuyên.
  • Cho trẻ dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể là 38 độ C.
  • Loại bỏ tất cả những vật sắc nhọn xung quanh để tránh gây tổn thương cho trẻ. Không để trẻ ở cạnh gầm giường, bàn, cầu thang,…
  • Tháo bớt khuy áo để giúp trẻ thoải mái và dễ thở hơn.
  • Để trẻ nằm nghiêng một bên để nếu có đờm, nôn thì sẽ chảy ra ngoài, tránh bị sặc.
  • Sau cơn co giật bạn cần kiểm tra đường thở, phản xạ nghe, nói,… để đảm bảo trẻ còn tỉnh táo cũng như trấn an tinh thần trẻ.

Điều trị hạ sốt bằng thuốc

Các thuốc được chỉ định để giảm sốt cho bệnh nhân gồm:

  • Ibuprofen: Dùng 5 – 10mg/kg/lần, mỗi liều cách nhau 6 giờ, không dùng quá 40mg/kg mỗi ngày.
  • Acetaminophen: Dùng 10 – 15mg/kg/lần, mỗi liều cách nhau 4 – 8 giờ và không dùng quá 75mg/kg mỗi ngày.
Ibuprofen được chỉ định để hạ sốt
Ibuprofen được chỉ định để hạ sốt

Một số lưu ý:

  • Thuốc hạ sốt không dự phòng được co giật và không ngăn được cơn co giật tái phát.
  • Thuốc chỉ làm giảm nhiệt độ cơ thể và không giảm ngay nhiệt độ đỉnh.
  • Không nên dùng 2 thuốc xen kẽ nhau, khuyến cáo dùng ibuprofen vì có tác dụng dài hơn.

Cắt cơn co giật tại cơ sở y tế

Chỉ định:

  • Bệnh nhân xuất hiện cơn giật kéo dài hơn 5 phút.
  • Co giật xuất hiện khi sốt cao và xuất hiện liên tiếp.

Thuốc sử dụng:

  • Diazepam đường trực tràng: Dùng 0,5mg/kg/lần cho trẻ lớn hơn 5 tuổi và 0,3mg/kg/lần cho trẻ nhỏ hơn 5 tuổi.
  • Fosphenytoin đường tiêm mũi: 15 – 20mg/kg/lần.
  • Diazepam đường tiêm: 0,1 – 0,3mg/kg/lần (nhiều nhất 10mg/lần).
  • Lorazepam: 0,05 – 0,1mg/kg/lần (nhiều nhất 4mg/lần).

Lưu ý:

  • Nếu sau 5 phút không cắt được cơn thì lặp lại liều Diazepam trực tràng.
  • Nếu dùng cả 2 liều mà vẫn không cắt được thì dùng thêm 1 liều Fosphenytoin.
  • Nếu dùng cả 2 thuốc mà vẫn không xử lý được thì chuyển bệnh nhân sang đơn vị hồi sức đặt nội khí quản và điều trị thiopentone hoặc propofol.
Có thể cắt cơn co giật ở cơ sở y tế
Có thể cắt cơn co giật ở cơ sở y tế

Điều trị dự phòng

Hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc điều trị cho trẻ bị sốt cao co giật. Trong đó có 2 dự phòng phổ biến là:

Điều trị dự phòng Diazepam không liên tục

  • Bệnh nhân có 2 cơn co giật khi sốt phức hợp.
  • Bệnh nhân tái phát cơn co giật nhiều lần, co giật ở ngưỡng nhiệt độ thấp.
  • Diazepam uống 0,3mg mỗi lần và cách nhau 8 giờ mỗi liều.

Dự phòng thuốc kháng động kinh

  • Bệnh nhân có 2 cơn co giật phức hợp, điều trị Diazepam không hiệu quả.
  • Giảm dần liều thuốc kháng động kinh nếu bệnh nhân không tái phát bệnh trong 6 tháng.
  • Các thuốc chỉ giúp giảm nguy cơ tái phát bệnh từ 6 tháng đến 2 năm, không giảm nguy cơ động kinh trong tương lai.

Chăm sóc trẻ bị sốt co giật

Khi trẻ bị sốt cao co giật, cha mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ theo những cách sau đây:

  • Nới lỏng quần áo cho trẻ

Nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát cho trẻ, tránh mặc đồ quá dày, khó thoát nhiệt. Nếu trẻ còn đang đóng bỉm thì cha mẹ nên cởi bỉm và mặc quần cho bé.

  • Bổ sung nước và điện giải

Oresol là nước bổ sung điện giải được nhiều chuyên gia khuyên dùng. Thực tế nước hơi khó uống và có thể trẻ sẽ bị nôn trong khi uống. Vậy nên cha mẹ nên cho trẻ uống từng ít và nghỉ khoảng 10 – 15 phút sau mỗi lần uống.

Khi pha Oresol cha mẹ cần pha cả gói với số lượng nước theo chỉ dẫn, không pha ½ gói vì sẽ khiến nồng độ các chất điện giải bị thay đổi và khiến trẻ bị rối loạn tri giác, cơn co giật xuất hiện trở lại. Ngoài ra bạn cũng cân nhắc cho trẻ uống nước trái cây, sữa,… thay vì nước điện giải.

  • Chườm ấm cho bé

Khi trẻ sốt cao co giật cha mẹ nên chườm ấm để hạ sốt cho trẻ. Việc này khiến lỗ chân lông, mạch máu ngoại vi giãn nở, tăng khả năng tản nhiệt và giúp hạ sốt.

Cha mẹ nên nhúng khăn vào nước ấm và lau người cho trẻ. Sau 10 – 20 phút nên đo lại thân nhiệt và dừng chườm khi nhiệt độ của bé dưới 37.5 độ C. Khi chườm cha mẹ cũng nên chú ý không chà xát quá mạnh vì có thể khiến trẻ bị đau.

  • Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ

Trẻ bị sốt sẽ chán ăn và ăn không ngon, cha mẹ không nên ép buộc nếu trẻ không thích. Nên cho trẻ ăn đồ ăn dễ nuốt như cháo loãng, mì, cho trẻ uống sữa và các loại nước hoa quả để tăng sức đề kháng cho trẻ.

Cha mẹ nên chú ý chăm sóc trẻ khi bị sốt cao co giật
Cha mẹ nên chú ý chăm sóc trẻ khi bị sốt cao co giật

Ngoài ra khi chăm sóc trẻ bị sốt bạn cũng nên hạn chế để quá nhiều người xung quanh, khi có dấu hiệu bất thường cần đến những địa chỉ uy tín để khám chữa cũng như hạ sốt an toàn.

Biện pháp phòng tránh cơn sốt co giật

Để tránh tình trạng trẻ bị sốt cao co giật, cha mẹ nên chú ý chăm sóc sức khỏe hàng ngày của bé. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên lưu ý những vấn đề sau đây:

  • Nên ưu tiên dùng sữa mẹ cho bé để giúp trẻ phát triển toàn diện, tránh bị virus vi khuẩn gây bệnh.
  • Nếu trẻ đã có thể ăn dặm thì nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho bé.
  • Hàng ngày nên vệ sinh cơ thể cho bé sạch sẽ bằng cách lau người bằng nước ấm.
  • Hạn chế đóng bỉm cho trẻ, nên để trẻ được thoáng mát và thông khí.
  • Nên cho trẻ mặc những trang phục mềm, rộng rãi và thoải mái hàng ngày.
  • Khi trẻ bị sốt nên cho trẻ dùng thuốc theo đúng liều lượng được khuyến cáo.
  • Thường xuyên theo dõi thân nhiệt của trẻ, nếu có dấu hiệu bất thường thì đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Sốt cao co giật ở trẻ có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của trẻ. Cha mẹ nên hiểu rõ bệnh và có hướng xử trí, chăm sóc trẻ đúng nhất. Nếu cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để cắt cơn co giật thì cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn từ bác sĩ để trẻ nhanh chóng khỏi bệnh.


Top địa chỉ phòng khám Sốt Cao Co Giật


Nhóm bệnh
Cách chữa liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan