Bệnh tổ đỉa ở trẻ em là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở một khu vực hoặc trên bề mặt da. Đáng báo động, căn bệnh này có chiều hướng ngày càng phổ biến ở trẻ. Năm bắt thông tin chi tiết về triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp cha mẹ hạn chế được những biến chứng tổn thương da, viêm mô tế bào cho trẻ.
Bệnh tổ đỉa ở trẻ em là gì?
Bệnh tổ đỉa (tên tiếng anh là Dyshidrosis) là một dạng viêm da đặc biệt của bệnh chàm - eczema. Căn bệnh này xuất hiện chủ yếu ở các ngón và kẽ bàn tay, bàn chân của trẻ em. Biểu hiện nổi bật nhất là các nốt mụn nước li ti, mọc dưới lớp da dày, cứng và khó vỡ. Tình trạng này hay gặp nhất ở trẻ trong độ tuổi từ 6 tháng tới 6 tuổi.
Các triệu chứng bệnh thường gặp
- Nổi nhiều mụn nước trên da: Mụn nước nhỏ li ti, có màu trắng đục với kích thước từ 1- 3mm. Đặc biệt, những mụn nước này rất khó vỡ, dày sừng và nổi cộm hẳn trên bề mặt da của bé.
- Vị trí: Những mụn li ti thường mọc ở lòng bàn tay, bàn chân hoặc các kẽ ngón. Tuy nhiên, hầu như những mụn này không bao giờ mọc quá cổ tay, cổ chân.
- Ngứa, đỏ da: Những mụn nước khiến trẻ nhỏ có cảm giác khó chịu và ngứa ngáy. Da trẻ khá mỏng và nhạy cảm nên thường xuất hiện những vảy bao bọc quanh các mụn nước và tấy đỏ. Trẻ gãi thường xuyên rất dễ bị lở loét và nhiễm trùng.
- Nóng sốt: Khi bệnh chuyển biến nặng, một số trường hợp trẻ nhỏ sẽ nóng và sốt cao.
Hình ảnh bệnh tổ đỉa ở trẻ em
Nguyên nhân gây bệnh
- Di truyền: Trẻ nhỏ hoàn toàn có thể bị di truyền căn bệnh này từ bố mẹ. Nếu cả bố và mẹ đều mắc bệnh này, tỷ lệ di truyền khá cao, lên đến 41%.
- Dị ứng cơ địa: Đây được xem là nguyên nhân chính khởi phát căn bệnh này. Trẻ em có cơ địa dễ dị ứng và nhạy cảm với một số yếu tố kích thích như phấn hoa, thành phần thuốc,... sẽ tạo môi trường để hình thành bệnh nhanh hơn.
- Dị ứng thời tiết: Làn da mỏng manh của trẻ sẽ rất dễ phản ứng vào thời gian giao mùa, thời tiết hanh khô, ẩm mốc hoặc nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh.
- Nguyên nhân khác: Trẻ bị dị ứng thuốc, dị ứng hải sản, nhiễm trùng, tiếp xúc với hóa chất,... cũng là yếu tố có thể gây bệnh.
Một số biến chứng nguy hiểm
- Tổn thương da: Vì làn da của bé khá mỏng và nhạy cảm, nếu bé bị mắc bệnh tổ đỉa lâu sẽ ảnh hưởng đến làn da của bé sau này như: sẹo, lở loét,...
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng, lở loét ở da: Khi trẻ gãi quá nhiều do ngứa ngáy từ tổ đỉa có thể gây tổn thương cho da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, dẫn đến các vấn đề như nhiễm trùng vết thương hoặc virus.
- Viêm mô tế bào: Nếu không được chữa trị kịp thời, những vi khuẩn và nấm sẽ ăn sâu vào trong tế bào da của bé, từ đó sẽ gây ra hiện tượng viêm từ bên trong mô tế bào của con.
Các phương pháp chẩn đoán bệnh
- Đánh giá triệu chứng bệnh: Các bác sĩ có thể dựa trên những triệu chứng mà trẻ nhỏ đang gặp phải để bước đầu xác định được bệnh, ví dụ như: ngứa ngáy, mẩn đỏ, sốt, bỏ bú,...
- Khám lâm sàng: Các bác sĩ sẽ thăm khám qua da để để xem xét kỹ hơn về các biểu hiện của bệnh như mụn nước, mẩn đỏ,... qua đó sẽ giúp các bác sĩ chắc chắn hơn về chẩn đoán ban đầu của mình.
- Lấy mẫu triệu chứng: Ở một số trường hợp khó xác định bệnh, các bác sĩ có thể yêu cầu lấy mẫu từ tay hoặc chân để kiểm tra vi khuẩn và nấm, từ đấy xác định được nguyên nhân gây ra bệnh dễ dàng hơn.
Đối tượng mắc bệnh tổ đỉa
Bệnh tổ đỉa có thể xảy ra ở nhiều đối tượng và lứa tuổi, nhưng đặc biệt phổ biến ở trẻ em. Bởi trẻ có làn da khá mỏng, cơ địa dị ứng rất dễ nhạy cảm với một số yếu tố từ môi trường như: phấn hoa, chất tẩy rửa, vi khuẩn,...
Cách phòng ngừa bệnh tổ đỉa ở trẻ em
- Cho trẻ mặc quần áo phù hợp với thời tiết, đi giày dép vừa kích cỡ
- Cách ly con trẻ với các môi trường có thể gây bệnh như: hóa chất, xà phòng, côn trùng, nguồn nước ô nhiễm,...
- Cắt móng tay và mang bao tay thường xuyên cho trẻ để hạn chế con gãi, hoặc chà xát vào các mụn nước li ti.
- Cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày, giúp con cấp ẩm đầy đủ cho da và quá trình trao đổi chất diễn ra dễ dàng hơn.
- Bổ sung đầy đủ dưỡng chất như: chất xơ, vitamin, protein từ các thực phẩm như rau xanh, hoa quả, trứng gà, cá, thịt lợn,…
Khi nào cần gặp bác sĩ
- Những mẩn đỏ, nổi ban da, vảy trắng quanh các mụn hoặc lở loét ở tay chân mà không biết nguyên nhân cụ thể.
- Con ngứa ngáy, khó chịu, quấy khóc và bỏ ăn một thời gian không cải thiện
Phương pháp điều trị bệnh tổ đỉa ở trẻ em
Để chữa dứt điểm bệnh tổ đỉa ở trẻ em, các bậc phụ huynh cần tìm ra nguyên nhân gây bệnh để điều trị tận gốc những triệu chứng ở trẻ. Các phương pháp điều trị phổ biến mà bố mẹ có thể tham khảo như sau:
Điều trị bệnh bằng thuốc Tây
Một số loại thuốc các bác sĩ hay dùng để trị bệnh tổ đỉa ở trẻ em như sau:
- Dung dịch Milian: Thuốc được sử dụng cho các trường hợp da bị lở loét, các mụn nước rỉ dịch hay có nguy cơ bội nhiễm cao. Loại thuốc này có tác dụng ức chế vi khuẩn, hỗ trợ phòng và điều trị nhiễm khuẩn da.
- Thuốc bôi Corticoid: Loại thuốc này phải có chỉ định từ bác sĩ bởi nó có tác dụng chống dị ứng, chống viêm nhưng tác dụng phụ khá nhiều, có thể gây mỏng da, teo da hoặc thậm chí hoại tử da của trẻ nếu lạm dụng thuốc.
- Thuốc kháng sinh, chống nấm: Thuốc này được sử dụng dưới dạng uống hoặc bôi ngoài da theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Thuốc kháng histamin: Đây là loại thuốc khá an toàn với trẻ nhỏ nếu dùng thế hệ 1 như Clorpheniramin với tác dụng chống dị ứng và giảm ngứa ở trẻ.
Lưu ý: Biện pháp này không được các bác sĩ khuyến cáo ở trẻ dưới 5 tuổi, cha mẹ nếu sử dụng liệu pháp này cho trẻ cần tuân thủ theo đúng phác đồ và hướng dẫn của bác sĩ.
Chữa bệnh bằng bài thuốc dân gian
Phương pháp điều trị bệnh tổ đỉa ở trẻ em bằng thuốc dân gian cũng được khá nhiều phụ huynh quan tâm hiện nay. Bố mẹ có thể tham khảo những bài thuốc dân gian dưới đây để chữa bệnh cho bé:
- Sử dụng lá chè xanh: Tắm cho trẻ bằng lá chè xanh có thể chống viêm, giảm ngứa và se vết thương ngoài da của bé. Bố mẹ có thể dùng 1 nắm lá chè tươi, rửa sạch, đun sôi và pha nước tắm cho con nhằm giảm tình trạng viêm nhiễm cho trẻ.
- Dầu khuynh diệp: Đây là loại dầu có độ an toàn cao và khá phù hợp với trẻ nhỏ. Cho một vài giọt dầu vào nước ấm và cho trẻ ngâm tay chân trong vòng 10 - 15 phút có thể giúp cải thiện bệnh tổ đỉa ở trẻ em.
- Lá trầu không: Mẹ có thể đun lá trầu không đã được rửa sạch và vò nát trong khoảng 10 phút. Sau đó, mẹ cho con ngâm tay, chân, vùng da bị tổ đỉa trong từ 1-2 lần mỗi ngày sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tổ đỉa.
- Gừng tươi: Rửa sạch gừng và cắt thành lát mỏng sau đó cho vào nước đun sôi để ngâm vùng da bị tổn thương của bé.
Chữa bệnh tổ đỉa ở trẻ bằng Đông Y
Chữa bệnh bằng Đông Y sẽ không mang lại hiệu quả tức thì nhưng đây là phương pháp đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa tác dụng phụ cho trẻ. Bố mẹ có thể lựa chọn các bài thuốc dạng bôi, dạng ngâm hoặc uống sao cho phù hợp với các bé nhà mình:
Bài thuốc dạng bôi
- Bài thuốc số 1: Thoa hỗn hợp cao được nấu từ cây mỏ quạ lên vùng da cần điều trị. Bố mẹ cần chú ý thoa đều lên da bé ngày 2 lần để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Bài thuốc số 2: Nguyên liệu chính của bài thuốc này là bằng sa, phèn phi, thanh đại, tán ô tặc cốt,... được phi thành dạng bột mịn và rắc lên vùng da tổn thương. Sau đó dùng nước sắc tô mộc để rửa lại nhiều lần đến khi sạch.
Bài thuốc dạng ngâm rửa
Ngoài những bài thuốc dạng bôi, bố mẹ có thể tham khảo thêm các bài thuốc dạng ngâm rửa hỗ trợ làm lành nhanh chóng các vết thương của trẻ.
- Nguyên liệu: Hoàng cầm, khổ sâm, thương truật, phù bình, hương phụ, thương nhĩ.
- Cách thực hiện: Mang tất cả các dược liệu trên đi sắc kĩ với nước, sau đó sử dụng nước còn ấm để rửa và ngâm vùng bị thương.
Dược liệu quý trong trị bệnh tổ đỉa ở trẻ em
Sử dụng dược liệu trong điều trị bệnh tổ đỉa ở trẻ em là một trong những phương pháp được nhiều người tin dùng. Một số dược liệu quý được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh tổ đỉa ở trẻ con như: cây mỏ quạ, phèn phi, thanh đại, hoàng cầm, thương truật, phù bình, thương nhĩ, thổ sâm, hương phụ,...
Những dược liệu trên có thành phần làm mát, làm dịu, giảm ngứa ngáy và hỗ trợ cải thiện các vết thương trên da của trẻ. Khi sử dụng lâu dài, các bậc phụ huynh sẽ thấy những triệu chứng bệnh của con thuyên giảm.
Để đạt hiệu quả tốt nhất khi chữa bệnh tổ đỉa ở trẻ em bằng các dược liệu, các bậc phụ huynh nên tìm hiểu kỹ và nghe theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh trường hợp lạm dụng thuốc và các trường hợp không mong muốn xảy ra.
Hiện nay, bệnh tổ đỉa ở trẻ em ngày càng phổ biến. Trên đây là toàn bộ thông tin và cách điều trị bệnh tổ đỉa ở trẻ em, các bậc phụ huynh hãy tham khảo để phát hiện và chữa trị bệnh kịp thời cho bé, tránh dẫn đến trường hợp bệnh đáng tiếc về sau.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!