Điều trị vảy nến bằng UVB còn được gọi là quang hóa trị liệu bằng UVB. Đây là phương pháp sử dụng ánh sáng nhằm đẩy lùi các triệu chứng của bệnh vảy nến, cho hiệu quả nhanh và độ an toàn cao. Tuy vậy, nó vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định mà người bệnh cần nắm rõ trước khi quyết định áp dụng phương pháp này.
Điều trị vảy nến bằng UVB là gì? Các hình thức phổ biến
Nếu muốn trị bệnh vảy nến bằng UVB, trước tiên bạn cần hiểu khái niệm của phương pháp này. Đồng thời nằm chắc các hình thức phổ biến của UVB để có sự lựa chọn phù hợp cho bản thân.
Điều trị vảy nến bằng UVB là gì?
Điều trị bệnh vảy nến bằng UVB là phương pháp sử dụng tia UVB hay tia cực tím B có bước sóng mức độ vừa phải, tác động trực tiếp lên vùng da bị vảy nến. Từ đó làm chậm sự phát triển của bệnh và loại bỏ các tổn thương.
Như chúng ta đã biết, vẩy nến vốn là bệnh da liễu khó có thể điều trị dứt điểm hoàn toàn. Tuy vậy, nếu áp dụng tia cực tím B để điều trị thì có thể đẩy lùi tình trạng bệnh lên đến 70%. Đồng thời giúp tình trạng bệnh ổn định lâu dài sau đó.
Các hình thức điều trị vảy nến bằng tia UVB
Tùy vào tình trạng bệnh của từng người, phương pháp điều trị vảy nến bằng tia UVB có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức. Do đó, tốt nhất bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn để lựa chọn được phương pháp điều trị bệnh phù hợp nhất.
Điều trị vảy nến bằng tia UVB băng thông rộng
Điều trị vảy nến bằng tia UVB băng thông rộng đã ra đời từ rất lâu và được nhiều người áp dụng. Về cơ bản, phương pháp này sử dụng tia UVB có bước sóng rộng để tác động lên vùng da bị tổn thương. Từ đó, làm chậm sự phát triển của các tế bào bị ảnh hưởng từ bệnh vảy nến. Ngoài ra, phương pháp này còn tái tạo các tế bào bị tổn thương, đẩy lùi các triệu chứng của bệnh vảy nến.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, tia sáng UVB băng rộng có thể khiến bệnh nhân bị bỏng. Do đó, hình thức này chỉ nên áp dụng cho các trường hợp người bệnh sử dụng các hình thức quang trị liệu UVB khác không hiệu quả.
Điều trị vảy nến bằng UVB băng thông hẹp
So với ánh sáng UVB băng thông rộng, ánh sáng UVB băng hẹp có hiệu quả tốt hơn. Chi phí điều trị vảy nến bằng UVB dải hẹp cũng không quá đắt đỏ. Phương pháp này có thể loại trừ hết các tia UV thừa gây hại cho da, chỉ phát các tia sáng có bước sóng từ 311 – 312nm. Bên cạnh đó, UVB băng hẹp giúp loại trừ các vảy nến nhanh hơn, khiến bệnh ổn định hơn so với băng thông rộng.
Cũng bởi có nhiều ưu điểm nên phương pháp chữa vảy nến bằng UVB băng hẹp được nhiều người bệnh lựa chọn. Hơn thế nữa, Tổ chức Bệnh vảy nến Quốc gia của Mỹ còn khuyến cáo bệnh nhân lựa chọn tia UVB băng hẹp để trị bệnh hiệu quả nhất, hạn chế nguy cơ gây bỏng.
Laser UVB
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), tia Laser UVB (chủ yếu là tia Excimer laser) đã được chấp nhận để điều trị vảy nến mãn tính. Về cơ bản, Laser UVB cũng khá giống với điều trị bằng UVB băng hẹp. Điểm khác biệt rõ ràng nhất là nó được thực hiện thông qua tia laser.
Laser UVB thường được chỉ định dành cho những người mắc bệnh vảy nến mức độ nhẹ. Khi mà vảy nến chỉ xuất hiện rải rác, trên những vùng da nhỏ và có diện tích bị vảy nến không vượt quá 5% trên tổng diện tích da trên cơ thể.
Các chuyên gia cho rằng, việc điều trị vảy nến bằng UVB trên các vùng da nhỏ sẽ hạn chế tối đa lượng tia cực tím tiếp xúc trực tiếp lên da. Từ đó, hạn chế các tác dụng phụ và rủi ro đối với cơ thể người bệnh.
Liệu trình của phương pháp này thường được thực hiện 2 – 3 lần/tuần. Sau khi điều trị được 10 buổi, tình trạng người bệnh sẽ chuyển biến tốt hơn. Tuy vậy, vì có chi phí khá đắt đỏ nên phương pháp này vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi.
Điều trị bệnh vảy nến tại nhà với thiết bị chiếu tia UVB
Để tiết kiệm thời gian, công sức, nhiều người bệnh đã lựa chọn hình thức sử dụng thiết bị trị liệu ngay tại nhà. Tuy vậy trước khi áp dụng phương pháp này, người bệnh cần được bác sĩ chuyên môn khám và tư vấn, đồng thời trị liệu một vài lần ở bệnh viện trước khi trị liệu tại nhà. Có như vậy, quá trình trị bệnh mới đạt hiệu quả cao.
Ngoài ra, khi áp dụng điều trị bệnh vảy nến tại nhà bằng thiết bị chiếu tia UVB, người bệnh vẫn cần thực hiện khám định kỳ để kiểm tra mức độ tiến triển của bệnh.
Điều trị bệnh vảy nến bằng UVB từ ánh nắng tự nhiên
Bên cạnh các phương pháp điều trị bằng công nghệ, người bệnh có thể sử dụng UVB có trong ánh nắng mặt trời. Các chuyên gia cho rằng, các UVB trong mặt trời cũng hoạt động tương tự như UVB trong liệu trình trị bệnh bằng ánh sáng.
Phương pháp này có rất nhiều ưu điểm như dễ thực hiện, tiết kiệm chi phí và khá hiệu quả. Người bệnh chỉ cần dành ra 5 đến 10 phút để tắm nắng vào lúc nắng nhẹ sáng sớm hoặc hoàng hôn. Nếu da có thể thích nghi, bạn có thể tăng thời gian thêm 5-10 phút nữa.
Một lưu ý cần nhớ là khi phơi nắng, bạn cần thoa kem chống nắng lên những vùng da không bị bệnh. Những vùng da bị vảy nến thì để lộ ra ngoài, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời càng nhiều càng tốt.
Vì là phương pháp tự nhiên nên so với các phương pháp công nghệ kể trên, nó có tác dụng khá chậm. Đừng quên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng phương pháp này.
Chi tiết quá trình điều trị vảy nến bằng UVB
Khi thực hiện điều trị vảy nến bằng UVB, bệnh nhân sẽ tuân theo quá trình như sau:
- Đầu tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra thể trạng người bệnh nhằm xác định độ nhạy cảm ánh sáng, liều đỏ da thấp nhất và một số bệnh lý khác. Người bệnh sẽ được thử 6 vị trí chiếu trên cơ thể tương đương với 6 mức năng lượng khác nhau. Mỗi vị trí chiếu được thực hiện trong vòng 3 giây.
- Mỗi bệnh nhân sẽ có tuýp da khác nhau. Hầu hết người dân nước ta có tuýp da IV, do đó sẽ áp dụng điều trị chiếu sáng với liều ban đầu là 500mJ/cm2. Trong lần chiếu tia UVB tiếp theo, bác sĩ sẽ có sự điều chỉnh phù hợp với tình trạng da lúc đó. Nếu da không bị đỏ thì có thể tăng liều lên 30%. Sau đó, nếu da người bệnh vẫn đỏ trong mức tối thiểu thì có thể tiếp tục giữ liều như vậy,
- Trong trường hợp da người bệnh đỏ lên mức độ II thì nên giảm liều xuống 30%. Còn nếu lên mức độ III thì phải tạm dừng việc chiếu tia UVB trong 7 ngày để theo dõi tình trạng bệnh.
- Liều điều trị vảy nến bằng tia UVB cao nhất là 3J/cm2 đối với những bệnh nhân có da thuộc tuýp IV.
Khi thực hiện điều trị vảy nến bằng UVB băng hẹp, người bệnh cần điều trị trong vòng 2 – 5 buổi/tuần. Cứ kiên trì điều trị cho đến khi chỉ số PASI đạt 75 thì giảm buổi trị liệu xuống 2 buổi/tuần. Trong tháng tiếp theo sẽ giảm xuống 1 buổi/tuần và khi bệnh đã thuyên giảm, người bệnh chỉ cần thực hiện 1 lần/1 tháng.
Điều trị bệnh vảy nến bằng UVB có thực sự hiệu quả?
Trước khi áp dụng bất cứ cách chữa bệnh nào, người bệnh cũng sẽ thắc mắc phương pháp này có thực sự hiệu quả hay không. Các trị bệnh vảy nến bằng UVB cũng không phải ngoại lệ. Theo các chuyên gia, tia UVB có thể mang lại hiệu quả sau vài lần chiếu.
Như chúng ta đã biết, bệnh vảy nến rất khó để trị dứt điểm 100%. Tuy vậy, phương pháp sử dụng tia UVB sẽ giúp người bệnh đẩy lùi 70% tình trạng bệnh. Phương pháp này giúp làm sạch các mảng vảy nến trên da, hạn chế sự khó chịu mà bệnh gây nên. Sau khi điều trị, bệnh nhân cũng có thể duy trì kết quả ổn định lâu dài.
Ở Việt Nam, có khoảng 50% người bệnh loại bỏ được các triệu chứng khó chịu, đồng thời ổn định bệnh trong 6 tháng sau khi sử dụng tia UVB. Nếu người bệnh biết cách chăm sóc bản thân, ăn uống và sinh hoạt khoa học thì thời gian ổn định bệnh sẽ được kéo dài.
Bên cạnh đó, mức độ hiệu quả của phương pháp này còn phụ thuộc vào các yếu tố như tình trạng, cơ địa của người bệnh. Lưu ý rằng, điều trị vảy nến bằng UVB còn tồn tại một số nguy cơ tiềm ẩn, do đó, người bệnh cần được bác sĩ tư vấn kỹ càng trước khi trị liệu.
Chỉ định và chống chỉ định điều trị vảy nến bằng UVB
Phương pháp điều trị vảy nến bằng UVB chỉ định cho những người mắc bệnh vảy nến. Bên cạnh đó, dù được đánh giá là phương pháp trị vảy nến hiệu quả, nhưng nếu thuộc những đối tượng sau, người bệnh cần tránh thực hiện phương pháp này:
- Người mắc bệnh porphyrin da
- Người bị dày sừng ánh sáng
- Người mắc bệnh pemphigoid
- Người mắc bệnh Pemphigus
- Người suy giảm chức năng gan thận nặng
- Người bị đục thủy tinh thể, đục nhân mắt
- Người bị bệnh lupus
- Người đang phải dùng thuốc ức chế miễn dịch Cyclosporine
- Người có tiền sử bị ung thư da
- Những người nhạy cảm với ánh sáng
- Người có loại da thuộc típ I theo phân loại da của Fitzpatrick.
Những tác dụng phụ của phương pháp điều trị vảy nến bằng UVB
Chúng ta cần biết rằng, bản chất của UVB là một dạng của tia cực tím. Do đó khi áp dụng phương pháp này, có thể người bệnh sẽ gặp một số tác dụng phụ như:
- Da nổi mẩn đỏ, khô rát, ngứa ngáy
- Mắc viêm kết mạc và viêm giác mạc cấp tính
- Khi sử dụng tia cực tím với cường độ mạnh, da có thể bị ửng đỏ, phồng rộp.
- Vùng da bị chiếu UVB có thể bị thâm đen do vô tình làm tăng sắc tố trên da
- Một số tác dụng phụ hiếm gặp khác như đau đầu, khó chịu, đau nhức cơ thể, choáng váng,…
- Nếu lạm dụng tia cực tím trong thời gian dài có thể gây ung thư da.
Do đó, người bệnh không được tùy ý sử dụng tia UVB để điều trị bệnh vảy nến khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ. Khi đã thực hiện phương pháp này, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để trị bệnh hiệu quả.
Điều trị vảy nến bằng UVB ở địa chỉ nào, chi phí đắt không?
Để trị bệnh an toàn và hiệu quả, người bệnh cần tìm đến cơ sở uy tín, bác sĩ sĩ có trình độ chuyên môn cao và được đào tạo bài bản. Dưới đây là một số cơ sở điều trị vảy nến bằng UVB uy tín mà bạn có thể tham khảo:
- Tại TP. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Da Liễu TPHCM, bệnh viện Nhân Dân 115 hoặc bệnh viện Đại Học Y Dược,…
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Da Liễu Hà Nội, khoa Da liễu bệnh viện Bạch Mai hoặc bệnh viện Da Liễu Trung Ương,…
Về mặt chi phí, mỗi phương pháp và cơ sở trị bệnh sẽ có mức giá cụ thể khác nhau. Hơn nữa tùy vào tình trạng bệnh, liệu trình áp dụng, chi phí để thực hiện phương pháp này sẽ thay đổi tùy thuộc vào từng bệnh nhân.
Lưu ý khi điều trị vảy nến bằng UVB
Phương pháp trị bệnh vảy nến bằng UVB có thể đem đến hiệu quả cao. Tuy vậy, để quá trình trị bệnh diễn ra an toàn, người bệnh cần ghi nhớ một số lưu ý dưới đây:
- Trước khi tiến hành trị liệu, người bệnh cần tắm rửa sạch sẽ và vệ sinh vùng da bị vảy nến cẩn thận.
- Muốn thực hiện liệu pháp quang hóa trị liệu, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ kỹ. Nắm được các tác dụng phụ của phương pháp và những điều cần làm trong quá trình điều trị.
- Trước khi chiếu tia, người bệnh nên sử dụng dầu paraphin cho vùng da bị vảy nến. Sau khi chiếu tia, bạn nên bôi kem dưỡng ẩm lên vùng da bị bệnh.
- Bệnh nhân cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về việc khám xét nghiệm cũng như khám chữa bệnh theo lịch bác sĩ đặt ra.
- Đối với những người mắc bệnh dày sừng ánh sáng, porphyrin da, suy giảm chức năng gan, thận, người có tiền sử bị ung thư da, đục thủy tinh thể, nhạy cảm với ánh sáng,… thì không được áp dụng tia UVB để trị vảy nến.
- Trong quá trình trị bệnh, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như ngứa ngáy, giác mạc bị viêm, da khô rát, xuất hiện mẩn đỏ, viêm kết mạc, đau nhức,… đây là những tác dụng phụ khi trị bệnh bằng UVB. Nếu tình trạng ngày càng trầm trọng, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn.
- Để đạt được hiệu quả tốt nhất, đồng thời hạn chế các tác dụng phụ của bệnh. Bạn cần tìm hiểu kỹ và lựa chọn phương pháp phù hợp với mình. Bên cạnh đó, đừng quên lựa chọn những bệnh viện uy tín, bác sĩ có chuyên môn để điều trị bệnh hiệu quả nhất.
Điều trị vảy nến bằng UVB có thể đem lại hiệu quả cao và an toàn cho bệnh nhân. Song, phương pháp này vẫn tồn tại nhiều nhược điểm cũng như tác dụng phụ không mong muốn. Vậy nên để điều trị bệnh hiệu quả, bạn nên tuân thủ nghiêm túc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!