Viêm mũi dị ứng là căn bệnh khiến nhiều người khổ sở. Nhất là với những ai thường xuyên tiếp xúc với máy lạnh. Về lâu về dài, căn bệnh này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy làm thế nào để chữa trị và phòng bệnh viêm mũi dị ứng máy lạnh? Bài viết sau đây của Tapchidongy.org sẽ đem đến cho bạn câu trả lời chi tiết nhất.
Viêm mũi dị ứng máy lạnh là gì?
Viêm mũi dị ứng máy lạnh là một dạng viêm mũi dị ứng không theo mùa, xảy ra khi cơ thể phản ứng quá mức với luồng không khí lạnh từ máy điều hòa. Không giống như viêm mũi dị ứng thông thường do phấn hoa hoặc các tác nhân khác, tình trạng này thường xuất hiện đột ngột khi bạn tiếp xúc trực tiếp với luồng khí lạnh.
Nhận biết dấu hiệu viêm mũi dị ứng máy lạnh
Nếu có thể phát hiện bệnh khi mới khởi phát, bạn có thể ngăn chặn tình trạng viêm mũi dị ứng máy lạnh diễn biến phức tạp hơn. Dưới đây là một số dấu hiệu giúp bạn phát hiện sớm căn bệnh này:
Khi ngồi máy lạnh liền bị sổ mũi, hắt hơi
Người bệnh có biểu hiện hắt hơi liên tục khi tiếp xúc mới luồng khí lạnh tỏa ra từ điều hòa. Đặc biệt là khi chuyển đổi môi trường từ nóng sang lạnh, biểu hiện càng rõ rệt hơn.
Ho, đau họng
Khí lạnh của điều khóa khiến niêm mạc họng bị kích thích. Với những người mắc bệnh lý về hô hấp như viêm mũi dị ứng hoặc những người có sức đề kháng kém sẽ mắc phải tình trạng khạc nhổ, ho liên tục gây đau họng.
Ngạt mũi, chảy nước mũi khi ngồi điều hòa
Luồng khí lạnh khiến dịch tích tụ trong mũi tăng lên, làm cho người bệnh nghẹt mũi, khó thở. Tùy vào mức độ nặng nhẹ của từng người, lượng dịch trong mũi có thể nhiều hoặc ít.
Đau mũi khi ngồi máy lạnh
Khi ngồi máy lạnh mà người bệnh cảm thấy đau mũi. Đây chính là dấu hiệu cho thấy tình trạng bệnh trở nặng. Nếu dùng thiết bị soi để khám, chúng ta có thể thấy niêm mạc mũi chuyển màu tím nhạt, bị phù nề. Lúc này bạn cần chú ý, nếu không bệnh sẽ chuyển thành viêm mũi mãn tính.
Ngoài những triệu chứng kể trên, viêm mũi dị ứng còn một số biểu hiện như: mắt thâm, chóp mũi đỏ, sưng mí mắt...
Bị viêm mũi dị ứng máy lạnh vì sao?
Môi trường máy lạnh quả thật rất tuyệt trong ngày oi bức. Nhưng với những ai bị viêm mũi dị ứng, đôi khi đây lại là ác mộng. Căn bệnh này xảy ra khi lớp niêm mạc của xoang mũi có những phản ứng bất thường với luồng khí của máy lạnh. Chỉ một làn hơi mát từ máy điều hòa cũng có thể khiến người bệnh sổ mũi, hắt hơi, choáng váng đầu óc và ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường.
Nguyên nhân khiến nhiều người bị viêm mũi dị ứng máy lạnh gồm:
- Máy điều hòa thường tỏa ra dòng không khí lạnh, khô khiến niêm mạc mũi co lại. Từ đó khiến người bệnh ngạt mũi, sổ mũi.
- Luồng không khí này còn chứa bụi bẩn và vi khuẩn là tác nhân chính gây viêm mũi dị ứng.
- Bên cạnh đó, máy điều hòa thường được lắp đặt trong phòng kín. Đây là điều kiện cho những vi khuẩn có hại xâm nhập khiến bệnh nhân bị viêm mũi ngày càng nặng.
Viêm mũi dị ứng máy lạnh có thực sự nguy hiểm không?
Nhiều chuyên gia nhận định rằng, máy điều hòa là một trong những nguyên nhân chính khiến chúng ta mắc bệnh viêm mũi dị ứng. Ngồi trong môi trường điều hòa liên tục khiến bệnh nhân đối mặt với một số nguy cơ sau:
- Triệu chứng viêm mũi dị ứng của bệnh nhân trở nặng, trầm trọng hơn.
- Môi trường máy lạnh tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển. Dẫn đến tình trạng người bệnh bị nhiễm trùng xoang.
- Bệnh viêm mũi dị ứng máy lạnh làm tăng nguy cơ cảm cúm, khiến công việc trì trệ.
- Tăng khả năng làm người bệnh mắc biến chứng như: viêm họng, viêm xoang mũi, viêm tai giữa, hay nguy hiểm nhất là thấp tim và viêm màng não.
Nhìn chung, viêm mũi dị ứng điều hòa không ảnh hưởng quá trầm trọng đến sức khỏe bệnh nhân. Thế nhưng bệnh này dai dẳng và rất dễ tái phát. Từ đó tác động xấu đến sinh hoạt hàng ngày. Do vậy, khi mắc bệnh này, bạn cần chữa trị kịp thời và dứt điểm.
Phương pháp chẩn đoán viêm mũi dị ứng máy lạnh
Thăm khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ tiến hành:
- Khám mũi tổng quát: Quan sát màu sắc niêm mạc mũi (thường nhợt nhạt), tình trạng phù nề, đặc điểm dịch tiết (dịch mũi trong loãng).
- Nội soi mũi: Sử dụng một ống soi nhỏ có gắn camera để đánh giá kỹ các cấu trúc bên trong mũi như: cuốn mũi, vách ngăn, hốc mũi...
- Khám tổng thể: Khám tai, họng, ngực để đánh giá toàn diện và loại trừ các bệnh lý khác.
Chẩn đoán phân biệt
Viêm mũi dị ứng máy lạnh thường cần phân biệt với các bệnh lý sau:
- Viêm mũi do virus (cảm lạnh): Thường kèm theo sốt, đau họng, mệt mỏi. Các triệu chứng thường thuyên giảm trong vòng 1-2 tuần.
- Viêm mũi xoang: Có thể gây nghẹt mũi, dịch mũi đặc, đau nhức vùng mặt.
- Viêm mũi vận mạch: Tình trạng nghẹt mũi, chảy mũi do sự thay đổi thời tiết hoặc các yếu tố kích thích khác như mùi hương, khói bụi...
Phương pháp phòng ngừa viêm mũi dị ứng máy lạnh
Nếu không muốn lo lắng tìm cách chữa bệnh triệt để, bạn nên chủ động phòng ngừa bệnh. Một số biện pháp được các chuyên gia y tế khuyên áp dụng như sau:
Điều chỉnh nhiệt độ vừa phải
Nhiệt độ máy điều hòa ở mức 26 độ C được đánh giá là phù hợp với người bình thường. Với mức nhiệt độ này, không gian sẽ được làm mát từ từ. Nhờ đó, hạn chế vấn đề chênh lệch nhiệt độ - “cơn ác mộng” của những người bị viêm mũi dị ứng máy lạnh. Bên cạnh đó, với những người có sức đề kháng kém, mức nhiệt độ này có thể giúp họ có được sự thích ứng từ từ.
Thực hiện điều chỉnh hướng gió
Luồng khí lạnh từ máy điều hòa thường chứa rất nhiều vi khuẩn và bụi bặm gây hại. Luồng khí này thổi trực tiếp vào cơ thể sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn tấn công hệ hô hấp gây bệnh viêm mũi dị ứng.
Biểu hiện dễ thấy nhất đó là khi ngủ máy lạnh, người bệnh lập tức bị đau họng, sổ mũi. Để tránh tình trạng này, bạn có thể điều chỉnh hướng gió hợp lý. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần vệ sinh máy lạnh thường xuyên.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học
Như chúng ta đã biết, bệnh viêm mũi dị ứng máy lạnh thường tấn công những người có sức đề kháng kém. Do đó, việc xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người bệnh cải thiện tình trạng. Không chỉ đẩy lùi bệnh viêm mũi dị ứng, phương pháp này còn giúp bạn nâng cao sức khỏe.
Những thực phẩm bạn nên cân nhắc để phòng bệnh viêm mũi dị ứng đó là: tỏi, chanh, mật ong, gừng, dứa... Cùng với đó, bạn cũng nên hạn chế sử dụng những thực phẩm kích ứng khiến tình trạng viêm mũi dị ứng diễn ra nặng hơn. Có thể kể đến như: bột mì, hải sản, các loại hạt, đồ uống lạnh, chất phụ gia...
Khi nào cần gặp bác sĩ
Mặc dù viêm mũi dị ứng máy lạnh thường không phải là tình trạng nghiêm trọng, bạn vẫn nên thăm khám bác sĩ trong các trường hợp sau:
- Triệu chứng nghiêm trọng, dai dẳng: Nếu các triệu chứng như hắt hơi dữ dội, chảy nước mũi liên tục, nghẹt mũi gây khó thở đáng kể, ho dai dẳng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, các biện pháp chăm sóc tại nhà không đem lại hiệu quả, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
- Dấu hiệu nhiễm trùng: Khi có các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, dịch mũi đổi màu (vàng, xanh) hoặc xuất hiện mùi hôi, đau nhức xoang, bạn cần được bác sĩ đánh giá xem có tình trạng nhiễm trùng thứ phát hay không và chỉ định phương án điều trị phù hợp (thường bao gồm thuốc kháng sinh).
- Bệnh nền hô hấp: Những người có các bệnh nền sẵn về đường hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản mạn tính,... khi gặp triệu chứng viêm mũi dị ứng máy lạnh có thể khiến bệnh lý sẵn có nặng hơn. Vì vậy, việc thăm khám bác sĩ là cần thiết để điều chỉnh thuốc và có phương pháp kiểm soát tốt hơn.
- Nghi ngờ biến chứng: Viêm mũi dị ứng kéo dài, không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng như viêm xoang, viêm tai giữa, polyp mũi...
Đến gặp bác sĩ sớm giúp xác định chính xác tình trạng bệnh của bạn, loại trừ các nguyên nhân bệnh lý khác và có biện pháp điều trị kịp thời để giảm nguy cơ biến chứng không mong muốn.
Cách điều trị viêm mũi dị ứng máy lạnh
Trong những năm gần đây, viêm mũi dị ứng đang có xu hướng tăng. Dù không phải bệnh hiểm nghèo nhưng nó vẫn khiến người bệnh gặp nhiều bất tiện. Do đó, khi mắc bệnh, bạn nên đến bệnh viện thăm khám, chữa bệnh dứt điểm. Hiện nay, viêm mũi dị ứng máy lạnh được điều trị bằng một số phương pháp dưới đây.
Cách chữa bệnh viêm mũi dị ứng nằm điều hòa tại nhà
Vì không phải là bệnh nan y nên nhiều người có xu hướng điều trị viêm mũi dị ứng tại nhà. Ưu điểm của phương pháp này đó là tiết kiệm chi phí và dễ thực hiện.
Bên cạnh đó, với việc sử dụng các nguyên liệu từ thiên nhiên, lành tính nên thuốc có khả năng đào thải nhanh. Từ đó hạn chế mức thấp nhất những tác dụng phụ gây ra cho cơ thể.
Có rất nhiều cách chữa viêm mũi dị ứng máy lạnh đơn giản tại nhà. Dưới đây là một số phương pháp bạn có thể áp dụng như sau:
- Hạn chế sử dụng máy lạnh: Đối với người bị viêm mũi dị ứng, luồng khí từ máy điều hòa có thể khiến tình trạng bệnh diễn biến phức tạp hơn. Do đó, bạn chỉ nên sử dụng máy lạnh khi thực sự cần. Bên cạnh đó nếu ngồi máy lạnh, bạn cũng nên chỉnh mức vừa phải. Nhiệt độ quá thấp sẽ khiến người bệnh nhức mũi, sổ mũi, hắt hơi liên tục.
- Dùng sáp ong: Bạn lấy một miếng sáp mật ong sạch nhai rồi bỏ bã. Thực hiện cách này đều đặn, mỗi ngày 2 đến 3 lần. Mật ong ngọt, có tính ấm, đem đến khả năng sát khuẩn và tăng cường đề kháng nên rất tốt cho cơ thể. Thực hiện đều đặn sau một tuần, bạn sẽ thấy tình trạng bệnh được cải thiện đáng kể.
- Dùng tỏi: Vào mỗi tối trước khi đi ngủ, bạn lấy một tép tỏi, bóc sạch vỏ, giã nhuyễn rồi đắp vào huyệt dũng tuyền. Thực hiện đều đặn mỗi tối cho đến khi tình trạng bệnh thuyên giảm.
- Dùng cây cỏ hôi: Cây cỏ hôi còn có tên gọi khác là hoa cứt lợn hay hoa ngũ sắc. Bạn đem lá cây cỏ hôi rửa sạch, giã nhuyễn rồi vắt lấy nước. Sau đó, bạn dùng bông gòn thấm nước cốt này rồi nhẹ nhàng đưa vào mũi khoảng 1 tiếng là được. Bông thấm nước cốt sẽ hút các dịch trong mũi, giúp mũi thông thoáng.
Lưu ý: Những phương pháp kể trên chỉ áp dụng cho những người bị viêm mũi dị ứng máy lạnh nhẹ. Với những trường hợp bệnh nặng, mãn tính thì cần điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
Chữa bệnh viêm mũi dị ứng điều hòa bằng thuốc tây y
Thuốc chữa viêm mũi dị ứng giúp cơ thể tiêu diệt vi khuẩn và phục hồi lớp niêm mạc bị tổn thương. Nếu dùng thuốc đúng cách, người bệnh sẽ cảm thấy dịch mũi tiết ít đi, cảm giác đau đớn được giảm xuống, sức đề kháng tăng lên.
Một số loại thuốc điều trị viêm mũi dị ứng nằm điều hòa được sử dụng phổ biến như:
- Thuốc kháng sinh
- Thuốc xịt mũi
- Thuốc giảm viêm sưng
Lưu ý: Thuốc tây cần được sử dụng theo đơn chỉ định của bác sĩ. Nếu tùy tiện sử dụng thuốc, người bệnh có khả năng gặp tác dụng phụ, tăng nguy cơ dị ứng, “tiền mất tật mang”.
Chữa viêm mũi dị ứng máy lạnh bằng thuốc đông y
Theo Đông Y, nguyên nhân chính của bệnh viêm mũi dị ứng là do cơ thể suy nhược, tỳ thận suy yếu và tà độc xâm nhập. Bệnh này được chia thành hai thể chính là phong nhiệt và phong hàn.
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh cụ thể, thầy thuốc sẽ có cách chữa khác nhau. Một số bài thuốc Đông y được dùng để chữa bệnh viêm mũi dị ứng máy lạnh đó là:
- Triệu chứng thường thấy của thể phong hàn: Ngứa mũi, chảy nước mũi trong và hắt hơi từng đợt. Khi cảm gió, nghĩa là tình trạng bệnh đã chuyển biến nặng hơn. Với thể bệnh này, ta sẽ sử dụng bài thuốc Đông y như sau: bạch chỉ, thông bạch, thương nhĩ tử, gừng tươi, đại táo, mã đề, bèo cái, kính giới...
- Triệu chứng thường thấy của thể phong nhiệt: Mũi ngứa, có dịch vàng nhẹ, nếu trời nóng thì nước mũi chảy liên tục và kèm theo sốt nhẹ. Trong trường hợp này, ta sẽ sử dụng bài thuốc Đông y gồm: cam thảo nam, kim ngân hoa, kinh giới, mã đề, ké đầu ngựa, rau diếp cá, cúc tần, lá dâu tằm, bạc hà, bồ công anh...
Tuy nhiên, người bện không nên tùy tiện bốc thuốc mà không có hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, với tình trạng thuốc Đông y giả đang tràn lan trên thị trường, bệnh nhân cũng nên thận trọng để bảo vệ sức khỏe bản thân.
Dù không phải là bệnh nan y, cũng không ảnh hưởng quá nặng đến sức khỏe. Nhưng bệnh viêm mũi dị ứng máy lạnh sẽ chuyển biến phức tạp nếu không được chữa trị kịp thời. Hy vọng với những thông tin trên, bạn đọc đã hiểu thêm về bệnh viêm mũi dị ứng điều hòa. Chúc bạn đọc nhanh khỏi bệnh và có sức khỏe thật tốt.
Viêm mũi dị ứng không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng triệu chứng có thể được kiểm soát thông qua các biện pháp điều trị như bài thuốc Đông y, Tây y, mẹo tại nhà... Việc tránh các tác nhân gây dị ứng và duy trì môi trường sống sạch sẽ cũng giúp giảm thiểu tình trạng này đáng kể.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!