Sưng amidan là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý đường hô hấp, xuất hiện phổ biến ở nhiều lứa tuổi. Tình trạng này cần được điều trị càng sớm càng tốt, tránh trường hợp diễn tiến lây lan sang các cơ quan xung quanh. Xác định chính xác nguyên nhân gây sưng đau, khó chịu là điều cần thiết để có hướng điều trị phù hợp và nhanh chóng.
Sưng amidan là gì? Dấu hiệu bạn cần biết
Sưng amidan (viêm amidan) là tình trạng amidan bị viêm nhiễm do tác động của các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus hoặc nấm. Amidan là hai khối mô bạch huyết nằm ở phía sau cổ họng, có vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể, giúp chống lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập qua đường hô hấp.
Tùy bệnh lý cụ thể mà người bệnh có các biểu hiện kèm theo. Bên cạnh đó, người bệnh cần nhận biết thêm một số biểu hiện đặc trưng để có hướng xử lý đúng thuốc đúng bệnh.
Nhìn chung, sưng amidan thường đi kèm một số biểu hiện sau:
- Khó nuốt, nghẹn họng, đôi khi người bệnh bị sặc khi ăn uống hoặc uống nước.
- Có thể xuất hiện dịch tiết (điển hình với tình trạng viêm amidan giai đoạn đầu).
- Hơi thở có mùi hôi khó chịu (trong các trường hợp có mủ tại amidan và khu vực xung quanh).
- Có thể bị sốt (sốt cao/sốt nhẹ). Mức độ sốt còn phụ thuộc vào bệnh lý mà người bệnh đang mắc, thường có sốt vào buổi chiều tối.
- Khàn tiếng, lâu ngày có thể bị biến đổi giọng nói (do tổn thương dây thanh quản).
- Xuất hiện cơn ho ngắt quãng và ho kéo dài khi ngủ dậy.
- Với trẻ nhỏ, biểu hiện dễ thấy là tình trạng quấy khóc, bỏ ăn, mệt mỏi,...
Cụ thể mỗi bệnh lý sẽ đi kèm với các biểu hiện đặc trưng khác. Do đó, để có nhận định chính xác nhất, người bệnh nên đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa phù hợp. Không tự ý mua thuốc về sử dụng, tránh tiền mất tật mang mà tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng khó lường khác.
Phân loại sưng amidan
Dựa trên thời gian và mức độ viêm nhiễm, sưng amidan có thể được phân thành hai loại chính:
- Viêm amidan cấp tính: Khởi phát đột ngột với các triệu chứng như đau họng dữ dội, sốt cao, khó nuốt, mệt mỏi, hạch bạch huyết cổ sưng to, amidan sưng đỏ và có thể có các chấm mủ trắng. Thời gian bệnh kéo dài khoảng 1-2 tuần.
- Viêm amidan mãn tính: Là tình trạng viêm amidan kéo dài, tái phát nhiều lần trong năm. Triệu chứng thường không rõ ràng như viêm amidan cấp, nhưng có thể bao gồm hôi miệng, đau họng âm ỉ, cảm giác vướng víu trong cổ họng, hạch bạch huyết cổ sưng to.
Sưng amidan là dấu hiệu của bệnh gì?
Amidan là các tổ chức hạch bạch huyết (hay còn gọi là lympho), nằm ở hai bên và phía sau của hầu họng. Đây là vị trí tương đối nhạy cảm do rất dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh đường hô hấp.
Khi các tác nhân gây bệnh đường hô hấp tăng lên bất ngờ, amidan không thể phản ứng kịp và gây sưng đau, nóng đỏ. Đây là triệu chứng điển hình của bệnh. Để điều trị hiệu quả, người bệnh cần đi khám để xác định cụ thể nguyên nhân gây sưng đau amidan.
Biểu hiện sưng amidan có thể là dấu hiệu của các bệnh lý sau đây:
Biểu hiện đặc trưng của viêm amidan
Viêm amidan là một bệnh lý đường hô hấp phổ biến, gây ra do các tác nhân từ ngoài môi trường, trong đó chủ yếu là virus, vi khuẩn theo đường hô hấp. Các biểu hiện đặc trưng của bệnh là sưng đau amidan, tiết ra nhiều dịch, bị sốt cao nếu viêm nhiễm ở giai đoạn cấp tính.
Ở trường hợp nặng hơn, xung quanh amidan có thể xuất hiện các hốc mủ (trắng hoặc vàng). Khi đó, người bệnh cần phải đi khám để có biện pháp xử lý ngay, tránh để mủ vỡ hoặc gây các biến chứng liên quan.
Viêm amidan không quá nghiêm trọng, nếu phát hiện và điều trị sớm thì sẽ thuyên giảm sau 5-7 ngày và khỏi hoàn toàn sau khoảng 10 ngày. Tuy nhiên, bệnh lý này còn liên quan đến một số biến chứng tại thận, tim và khớp,... nên cần điều trị càng sớm càng tốt.
Phì đại amidan
Phì đại amidan là tình trạng sưng amidan một cách bất thường, sưng cấp tính kèm các biểu hiện gần giống viêm amidan. Nguyên nhân gây bệnh là do sự diễn tiến mãn tính của tác nhân gây bệnh đường hô hấp và nhiễm trùng xung quanh cổ họng.
Bệnh này còn được cho là có liên quan đến yếu tố di truyền (tỷ lệ mắc phải cao hơn khi trong gia đình có người bị phì đại amidan). Khi đó, amidan liên tục bị kích thích và xuất hiện tình trạng sưng to bất thường.
Người bệnh cần đi khám sớm để chẩn đoán chính xác, tránh nhầm lẫn với các bệnh lý đường hô hấp khác. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ amidan để điều trị bệnh triệt để.
Áp xe amidan
Sưng amidan có thể là dấu hiệu của tình trạng áp xe amidan. Biểu hiện đặc trưng nhất là xuất hiện các hố mủ xung quanh amidan và hai bên thành họng. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng phổ biến hơn cả ở lứa tuổi thanh thiếu niên.
Tình trạng này thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, trời trở lạnh tạo cơ hội cho các tác nhân xâm nhập qua đường hô hấp. Các ổ áp xe có biểu hiện phồng rộp rõ ràng, sưng to và có mủ trắng. Áp xe amidan gây khó chịu dữ dội ở người bệnh, khó nuốt, khó mở miệng, hơi thở có mùi đặc trưng.
Sỏi amidan
Một bệnh lý khác cũng liên quan đến biểu hiện sưng amidan ở thành sau họng. Nguyên nhân gây sưng thường là do lượng canxi và bã thừa tích tụ bên trong các kẽ amidan và phát triển dần thành sỏi.
Nếu không có biện pháp xử lý, lượng bã thừa ngày càng nhiều khiến vết sưng tăng kích thước, gây đau nhiều hơn và diễn tiến nặng hơn. Bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây sâu răng và hôi miệng khác. Sỏi tại amidan cũng gần giống với hiện tượng viêm nhưng khác ở điểm có thêm các đốm nhỏ trên bề mặt.
Dấu hiệu cảnh báo ung thư amidan
Đây là tình trạng nguy hiểm nhất. Sưng amidan cũng là một dấu hiệu cảnh báo bệnh lý ung thư nghiêm trọng. Bệnh khiến amidan sưng to nhưng không gây đau. Do đó, nhiều trường hợp người bệnh không phát hiện được triệu chứng, chậm trễ trong điều trị gây ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sau một thời gian, amidan sưng gây bít tắc khiến người bệnh khó thở, khó nuốt và thường bị nghẹn họng, lẫn máu trong nước bọt. Đây là bệnh hiếm gặp nhưng cũng cần cảnh giác vì đây là căn bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người mắc.
Khi nào người bị sưng amidan cần gặp bác sĩ?
Viêm amidan thường tự khỏi sau 7-10 ngày, nhưng cần đi khám nếu có các dấu hiệu sau:
- Đau họng dữ dội, ảnh hưởng ăn uống, khó ngủ.
- Sốt cao trên 38.5°C liên tục, không hạ sốt, kèm triệu chứng khác.
- Amidan sưng to, đỏ, có mủ.
- Khó thở, khó nuốt, đây có thể là áp xe amidan, cần cấp cứu.
- Hơi thở hôi là dấu hiệu viêm amidan hốc mủ.
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ kéo dài không giảm.
- Không cải thiện sau 7-10 ngày.
- Tái phát nhiều lần.
Tuy nhiên có một số đối tượng nguy cơ cao cần thăm khám sớm như: Trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính.
Khám và chẩn đoán sưng amidan
Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây sưng amidan, tốt nhất người bệnh nên đi khám. Tại đây, các bác sĩ chuyên môn sẽ chỉ định các phương pháp thăm khám thích hợp để có kết luận chính xác nhất
- Soi tai-mũi-họng để tìm ổ nhiễm khuẩn (dùng loại đèn có ánh sáng chuyên dụng).
- Khám lâm sàng bên ngoài kiểm tra tình trạng hạch bạch huyết bị sưng đau.
- Nghe phổi xem có tiếng bất thường hay không.
- Kiểm tra vùng lá lách xem kích thước to/nhỏ.
Đồng thời, chỉ định các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác và cụ thể hơn. Hai xét nghiệm thường được chỉ định như sau:
- Xét nghiệm máu toàn phần.
- Xét nghiệm dịch tiết (dịch tiết từ đường hô hấp).
Việc thực hiện xét nghiệm cũng giúp bác sĩ có thêm nhận định về cơ địa của người bệnh. Có thể áp dụng luôn nếu cần can thiệp ngoại khoa sau này (ví dụ các chỉ định cắt bỏ amidan).
Bị sưng amidan có nguy hiểm không? Điều trị như thế nào?
Điều trị nội khoa
Một số trường hợp sưng amidan nhẹ, người bệnh không nhất thiết phải dùng thuốc điều trị. Tuy nhiên, nếu các biểu hiện cấp tính gây khó chịu hoặc diễn tiến với tình trạng nghiêm trọng hơn, người bệnh nên đi khám để được điều trị ngay.
Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh dùng thuốc theo phác đồ từ 7-10 ngày. Trong phác đồ thường bao gồm các loại thuốc:
- Thuốc kháng sinh: Phần lớn là kháng sinh có phổ kháng khuẩn và diệt khuẩn phù hợp nhất với nguyên nhân cụ thể gây bệnh. Liều lượng sử dụng ở mỗi đối tượng khác nhau có thể khác nhau. Do đó, tuyệt đối không dùng lại thuốc của người khác hoặc tự ý dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ
- Thuốc kháng viêm: Kê trong trường hợp xác định có tình trạng viêm nhiễm tại amidan gây sưng đau. Thuốc kháng viêm hỗ trợ làm lành ổ loét, tái tạo lớp niêm mạc mới, giảm sưng đau hiệu quả
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Kê trong các trường hợp amidan sưng đau kèm theo biểu hiện sốt cao trên 38,5 độ C. Sốt cao kéo dài có thể gây co giật và ảnh hưởng đến sự nhận thức, đặc biệt ở trẻ nhỏ
- Một số loại thuốc khác: Tùy từng bệnh nhân, bác sĩ có thể kê thêm các thuốc cải thiện triệu chứng. Cụ thể như một số loại viên ngậm giảm ho, dung dịch súc miệng, thuốc an thần (nếu người bệnh thường xuyên bị mất ngủ do đau tức amidan)
Các loại thuốc Tây y trên đều phải sử dụng theo đơn kê của bác sĩ. Người bệnh lưu ý dùng theo đúng phác đồ và liều lượng mà bác sĩ đã chỉ định.
- Ưu điểm: Điều trị nội khoa viêm amidan mang lại nhiều lợi ích như ít xâm lấn, tiện lợi, chi phí thấp và giảm triệu chứng nhanh.
- Nhược điểm: Phương pháp này không triệt để, dễ tái phát, có thể gây tác dụng phụ và không hiệu quả với một số trường hợp nặng. Cần tuân thủ nghiêm túc chỉ định của bác sĩ để đạt kết quả tốt nhất.
Can thiệp ngoại khoa cắt amidan
Trong một số trường hợp sưng amidan nghiêm trọng hoặc chèn ép quá nhiều khiến người bệnh khó chịu và cuộc sống sinh hoạt bị ảnh hưởng, các can thiệp ngoại khoa có thể được chỉ định.
Tùy tình trạng và bệnh lý cụ thể mà bác sĩ có chỉ định phù hợp:
- Chích rạch khối mủ và dẫn mủ ra ngoài: Phương pháp này áp dụng trong trường hợp người bệnh bị áp xe quanh khối amidan. Kết hợp can thiệp ngoại khoa này với việc dùng kháng sinh, kháng viêm, giảm đau để cải thiện các biểu hiện bệnh và ngăn ngừa bội nhiễm
- Phẫu thuật bỏ sỏi amidan: Có thể áp dụng trong các trường hợp người bệnh có sỏi amidan kích thước nhỏ. Khi đó, các bác sĩ có thể tiến hành tiểu phẫu để lấy sỏi ra và điều trị dứt điểm
- Cắt bỏ amidan: Áp dụng khi người bệnh không đáp ứng được với các phương pháp điều trị nội khoa khác. Hoặc trong một số trường hợp amidan gây chèn ép nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người bệnh.
Ưu điểm:
- Loại bỏ triệt để nguy cơ viêm amidan tái phát.
- Ngăn ngừa biến chứng như áp xe, viêm khớp, thấp tim, viêm cầu thận.
- Cải thiện chất lượng cuộc sống: giảm đau họng, khó nuốt, ngưng thở khi ngủ.
- Hiệu quả lâu dài, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tai mũi họng khác.
Nhược điểm:
- Đau sau phẫu thuật kéo dài vài ngày.
- Nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng (ít gặp).
- Thay đổi giọng nói tạm thời (ít gặp).
- Tốn kém chi phí.
Điều trị tại nhà bằng mẹo dân gian
- Bài thuốc từ rau húng tần: Rau húng tần được sử dụng nhiều trong các chứng sưng amidan, viêm họng và cảm lạnh thông thường. Người bệnh chỉ cần rửa sạch, băm nhuyễn, hấp với đường phèn 10-15 phút. Chắt lấy nước uống khoảng 2 lần/ngày
- Mẹo điều trị với tỏi: Sử dụng tỏi rất tốt trong các trường hợp sưng đau amidan và một số bệnh lý đường hô hấp khác. Chuẩn bị tỏi tươi và mật ong, ngâm tỏi đã đập dập trong mật ong từ 10-15 phút. Chắt lấy phần nước cốt để dùng từ 2-3 lần/ngày
- Điều trị với gừng tươi: Mẹo điều trị với gừng tươi cũng tương đối đơn giản và dễ thực hiện. Dùng một củ gừng, đập dập và ngâm với mật ong trong 15-20 phút. Uống phần nước cốt và ngậm bã trong cổ họng khoảng 20 phút
Các mẹo dân gian điều trị sưng amidan chỉ nên sử dụng như các phương pháp hỗ trợ bên cạnh biện pháp chữa trị chính từ bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh không nên lạm dụng, đặc biệt trong các trường hợp bệnh diễn tiến nặng kèm theo các biểu hiện cấp tính (xuất tiết, mủ có màu, miệng hôi,….)
- Ưu điểm: Dễ thực hiện, tiết kiệm chi phí, ít tác dụng phụ, có khả năng giảm triệu chứng và tăng cường sức đề kháng.
- Nhược điểm: Hiệu quả chưa được kiểm chứng rõ ràng, liều lượng khó kiểm soát, nguy cơ dị ứng, không thể thay thế thuốc Tây và có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn nếu không đảm bảo vệ sinh.
Biện pháp chăm sóc, phòng ngừa tình trạng sưng amidan
- Nên đi thăm khám từ sớm để có phương pháp điều trị đúng cách, loại bỏ hoàn toàn được nguyên nhân gây bệnh.
- Vệ sinh mũi họng hàng ngày với nước muối sinh lý. Đây là biện pháp vệ sinh cần thiết dù có mắc các bệnh đường hô hấp hay không. Trong nước muối sinh lý có tính chất kháng khuẩn nhẹ giúp tiêu diệt “môi trường” gây bệnh của virus, vi khuẩn.
- Uống nhiều nước, đáp ứng lượng nước tối thiểu mỗi ngày (2 lít). Thay cho nước khoáng, người bệnh cũng có thể uống nước hoa quả, nước ép rau củ khác.
- Vệ sinh răng miệng hàng ngày. Lưu ý dùng bàn chải và lực làm sạch phù hợp, tránh gây tác động tới vùng amidan bị sưng đau
- Bổ sung các nhóm thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt là nhóm vitamin C – nâng cao sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
- Nếu được chỉ định dùng thuốc, tuân thủ tuyệt đối đơn thuốc mà bác sĩ đã kê. Không tự ý thay đổi thuốc hoặc tăng giảm liều lượng khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ. Vì có thể khiến bệnh diễn tiến kéo dài sang dạng mãn tính.
- Tập luyện thể thao vừa sức nâng cao sức khỏe, cân đối công việc, tránh làm việc quá sức, áp lực căng thẳng.
- Giữ ấm cơ thể khi thay đổi thời tiết, đặc biệt vùng cổ người bệnh.
Kết luận
Sưng amidan là dấu hiệu cảnh báo một số tình trạng bệnh lý đường hô hấp thường gặp. Để có hướng điều trị phù hợp và hiệu quả nhất, người bệnh nên đi thăm khám từ sớm để nhận tư vấn từ bác sĩ chuyên môn. Đồng thời, chủ động điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và dành thời gian nghỉ ngơi sẽ giúp việc điều trị nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!